Bài 7: Các thành phần cơ bản của C++


Bộ ký tự

Để viết chương trình bằng ngôn ngữ lập trình C++, ta cần phải biết bộ ký tự để tạo nên nó. C++ sử dụng các chữ cái Latinh, gồm các chữ cái HOA (A … Z), các chữ cái thường (a … z), các chữ số (0 … 0), các phép toán (+, -, *, /), các ký tự đặc biệt (%, &, $, ||, …) và dấu cách để viết các đoạn mã cho chương trình. Ngoài ra, trong quá trình viết chương trình, ta còn sử dụng thêm một số các thành phần như định danh, biến số, hằng số, hàm số, câu lệnh, … Các thành phần này sẽ được trình bày ở trong những bài viết sau.

Định danh

Định danh được dùng để phân biệt giữa các thành phần với nhau trong một chương trình. Định dạng có thể là tên biến số, tên mảng, tên hàm, tên con trỏ, tên cấu trúc, …
Định danh cần phải tuân theo quy tắc sau:

  • Ký tự đầu tiên của định danh phải là một chữ cái hoặc dấu gạch dưới (_). Không bắt đầu bằng chữ số.
  • Chỉ chứa số, chữ cái hoặc dấu gạch dưới.
  • Không được trùng với từ khoá của C++.
  • Chiều dài tối đa là 1024 ký tự.

Lưu ý: C++ có phân biệt chữ hoa và chữ thường nên khi viết chương trình thì cần phải chú ý về cách viết định danh. Tất cả các từ khoá của C++ đều được định nghĩa là viết thường.

Từ khoá

Từ khoá là những từ được ngôn ngữ lập trình quy định sẵn và không được sử dụng với một mục đích khác với quy định bởi ngôn ngữ lập trình đó. Bảng sau liệt kê một số từ khoá cơ bản trong C++

break do if public
char else int return
long short while void
static switch continue float

Câu lệnh

Câu lệnh trong C++ nói riêng hay trong bất kỳ các ngôn ngữ khác nói chung nhằm thực hiện một mục đích cụ thể nào đó do ngôn ngữ lập trình đó quy định. Thông thường các câu lệnh được viết dựa trên ngôn ngữ tiếng Anh, câu lệnh được tạo nền từ những từ khoá. Một câu lệnh có thể được viết trên một dòng hoặc trên nhiều dòng. Trong C++, mỗi câu lệnh sẽ được kết thúc bởi dấu chấm phẩy “;”. Ta sẽ tìm hiểu một số câu lệnh đơn giản.

Câu lệnh gán

Có thể nói, câu lệnh gán là một trong những câu lệnh có tần suất sử dụng nhiều nhất trong khi viết các chương trình máy tính. Cú pháp của câu lệnh gán như sau: <tên_biến> = <biểu_thức>.
Trong đó, tên_biến là một biến số, giá trị của biểu_thức phải có cùng kiểu với tên_biến. Khi gặp câu lệnh gán có cú pháp như trên, trình biên dịch sẽ gán giá trị của biểu_thức cho tên_biến. Ví dụ về một vài lệnh gán:

x = x + 1;
y = sqrt(x) + 5;
m = 31.1 * 56;

Câu lệnh nhập dữ liệu từ bàn phím

Cú pháp của câu lệnh như sau: cin>>b1>>b2>>…;
Trong đó, b1>>b2>>… là tên các biến. Câu lệnh trên sẽ cho phép nhập giá trị từ bàn phím cho lần lượt các biến b1>>b2>>…
Trước khi viết chương trình, người lập trình cần phải xác định đầu vào (input) cho mỗi bài toán. Và một trong những cách nhập các giá trị đầu vào là từ bàn phím.
Ví dụ, để viết chương trình giải phương trình bậc nhất ax + b = 0, ta cần nhập dữ liệu đầu vào cho 2 số a và b từ bàn phím, khi đó câu lệnh nhập sẽ là:

cin>>a;
cin>>b;
cin>>c;

Câu lệnh in dữ liệu ra màn hình

Cú pháp lệnh như sau: cout<<v1<<v2<<…;
Trong đó, v1<<v2<<… có thể là biến, hàng, hàm, biểu thức. Câu lệnh này sẽ in giá trị của các v1<<v2<<… ra màn hình.
Ví dụ về câu lệnh cout trong C++:


cout<<"Chuong trinh dau tien!";
cout<<sqrt(16);

Khi đó, câu lệnh thứ nhất sẽ in dòng chữ “Chuong trinh dau tien” ra màn hình. Còn câu lệnh thứ hai sẽ in giá trị căn bậc hai của 16 ra màn hình.
Đối với lệnh cout khi in dữ liệu ra màn hình, C++ cung cấp một số phương pháp định dạng phục vụ cho trình bày số liệu khi in ra các biểu thức, chẳng hạn như biểu thức giá trị số thực, biểu thức giá trị số nguyên, …

  • endl: xuống dòng mới.
  • setw(n): định dạng n vị trí canh phải để in giá trị ra màn hình.
  • setprecision(m): chỉ lấy m số thập phân sau dấu phẩy đối với số thực.

Có thể bạn sẽ thích…

1 phản hồi

  1. 18/12/2023

    […] kiểu dữ liệu cho biến sao cho phù hợp. <tên biến số> được tuân theo quy tắc đặt tên biến. Về các kiểu dữ liệu trong C++ sẽ được trình bày ở bài viết sau. Ví dụ: […]

Trả lời