Sử dụng Internet căn bản
Giới thiệu
Bài này hướng dẫn bạn làm quen với Internet qua 3 hoạt động: dùng Google Chrome để lướt web, tạo một email Gmail, và tìm kiếm bằng Google search. (Google map cũng được đưa vào đây như là một công cụ tìm kiếm bản đồ.) Tìm kiếm, email và đọc lấy thông tin cũng là 3 hoạt động phổ biến nhất trên Internet
1. Lướt web
Để xem các trang web, bạn cần có trình duyệt web (web browser). Các trình duyệt web phổ biến hiện nay theo thứ tự giảm dần (theo startcounter.com) là Google Chrome, Safari, Firefox, UC Browser, SamSung Internet, Opera. Hãng toptenreviews.com xếp hạng theo độ tốt của các trình duyệt web cũng cho kết quả tương tự, thế nên ở đây chúng tôi chọn trình bày về Google Chrome (của hãng Google), nhưng các trình duyệt web khác cũng không khác gì nhiều.
1.1. Cài đặt và chạy Google Chrome
Google Chrome không có sẵn trong Windows như Internet Explorer, nên bạn phải cài đặt Google Chrome, bằng cách dùng Internet Explorer để vào trang: https://www.google.com/chrome/.
Bạn có thể chọn phiên bản theo ngôn ngữ tiếng Việt hoặc tiếng Anh, rồi bấm vào nút Download Chrome
Tiếp đó Google hiện ra các điều khoản sử dụng, bạn bấm vào Accept and Install. Làm theo hướng dẫn của Google Chrome cho đến khi việc cài đặt Google được hoàn tất.
Lần đầu tiên chạy, Chrome sẽ hiện ra 2 thẻ là Google account – để mời bạn đăng kí hoặc đăng nhập (nếu đã có sẵn) tài khoản Gmail, và thẻ Getting Started – để hướng dẫn bạn đôi điều về Chrome (không quan trọng).
Bạn chạy Google Chrome bằng cách bấm vào biểu tượng hình bên trên thanh Taskbar hoặc trên màn hình nền.
1.2. Mở các trang web
1.2.1. Giao diện của Chrome
- Nút Home để quay về trang web mặc định (cái này sẽ được nói sau)
- Nút Back để quay về trang web trước đó mà bạn đã truy cập
- Khi bạn quay về một trang web cũ thì dùng nút Forward để trở lại trang mới lúc đầu
- Nút Refresh để tải lại trang web, nút này dùng khi trang web có gì đó thay đổi, cần tải lại để những thay đổi này được hiện ra
Ô gõ địa chỉ trang web mà bạn cần xem:
- Nút Favorite để đánh dấu (bookmark) lại trang web mà bạn thích để xem sau này
- Nút Setting để tinh chỉnh trang web và Chrome.
1.2.2. Mở nhiều trang web cùng lúc
Có 2 cách để mở nhiều trang web cùng lúc:
- Mở nhiều tab cùng lúc, mỗi trang web đặt trong một tab, bấm vào biểu tượng ở tab cuối cùng để tạo tab mới.
- Mở nhiều chương trình Chrome cùng lúc bằng cách bấm nút phải chuột vào biểu tượng Chrome trên thanh taskbar, sau đó chọn New Window (như hình).
1.3. Thao tác với trang web
Bạn bấm vào nút để hiện ra menu như hình bên, ở đây bạn có thể chọn:
- Save page as …: lưu lại trang web thành file htm hoặc html trên ổ cứng của mình. Sau này khi ngắt kết nối Internet, bạn vẫn có thể xem trang web (kiểu này gọi là xem offline).
- Find … (hoặc bấm phím tắt CTRL + F): khi bạn muốn tìm một từ trong trang web, hãy bấm CTRL + F, hộp tìm kiếm hiện ra như hình bên. Bạn gõ từ cần tìm. Nếu có từ cần tìm, nó sẽ được in màu vàng lên, như ở hình vẽ từ “collection” xuất hiện 3 lần.
- Print …: in trang web.
- Zoom: để phóng to, thu nhỏ trang web. Tuy nhiên cách nhanh nhất để làm việc này là bấm CTRL + lăn nút giữa của chuột.
1.4. Thiết lập Homepage – trang web mặc định mỗi khi chạy Chrome
Không chỉ Chrome mà bất cứ trình duyệt web nào đều có chức năng home page – trang web được thiết lập sẽ tự động mở mỗi khi bạn chạy trình duyệt web.
Để thiết lập home page, bạn chọn và Setting, sau đó chọn Open a specific page or set of pages. Và chọn Set pages. Bạn gõ địa chỉ trang web mà bạn muốn Chrome hiển thị mặc định mỗi khi Chrome được chạy.
Khác với các trình duyệt khác như Internet Explorer và Firefox, mặc định Chrome không hiển thị nút Home – nút để nhảy đến home page. Bạn tích chọn Show Home button như hình bên.
1.5. History – danh sách các trang web đã xem
Bạn chọn , rồi chọn History để xem danh sách các trang web mà bạn đã vào. Bạn có thể xóa lịch sử của các trang web mà bạn đã truy cập theo ngày, tháng, năm …
1.6. Incognito window – lướt web mà không để lại dấu vết
Khi bạn lướt web, bạn thường để lại dấu vết, ví dụ các trang web bạn đã qua sẽ được ghi lại trong history, password bạn đăng nhập vào một trang web có thể cũng bị nhớ lại, v.v nếu bạn lướt web ở một máy tính công cộng thì điều này cực kì nguy hiểm. Để giúp người dùng lướt web mà không để lại dấu vết, Chrome có chế độ lướt Web Incognito (từ “incognito” nghĩa là “ẩn mình, không để lộ tung tích”).
Bạn bấm vào và chọn New Incognito Window.
2. Email
Theo comscore.com thì 3 dịch vụ email phổ biến nhất thế giới lần lượt là Gmail (của Google), Yahoo! Mail (của Yahoo), và Hotmail (của Microsoft).
Tài liệu này chọn Gmail – dịch vụ email phổ biến nhất thế giới.
2.1. Gmail dùng cho cả Youtube, Google+, Google Map, …
Hãng Google có rất nhiều dịch vụ đứng đầu thế giới:
- tìm kiếm Google Search (số 1 thế giới),
- mạng xã hội Google+ (thứ 3 thế giới) khai tử năm 2019,
- mạng chia sẻ video Youtube (số 1 thế giới),
- email Gmail (số 1 thế giới),
- bản đồ Google Maps (số 1 thế giới),
- phần mềm cho điện thoại di động Android (số 1 thế giới)
- dịch vụ lưu trữ trực tuyến Google Drive (top 5 thế giới)
Khi bạn tạo một tài khoản Gmail thì không chỉ có nghĩa là bạn có tài khoản email, mà bạn có luôn tài khoản trên Youtube, Google+, Google map, Google Play, Google Drive… !!!
2.2. Tạo một tài khoản Gmail
Dưới đây hướng dẫn bạn tạo một tài khoản Gmail, sau khi tạo xong bạn sẽ có một email là xyz@gmail.com với xyz là do bạn chọn.
2.2.1. Điền thông tin cá nhân để đăng kí tài khoản
Bạn vào trang gmail.com, nếu máy tính bạn dùng không có người đăng nhập vào dịch vụ email thì bạn sẽ gặp như bên cạnh. Nếu máy tính có người đăng nhập vào Gmail rồi, bạn phải thoát (sign out) ra khỏi tài khoản của người đó đã, sau đó mới vào lại mail.google.com. Một cách khác, bạn vào google.com tìm kiếm với từ khóa “gmail sign up” sẽ ra ngay được trang web hình trên.
Chú ý: trang web của bạn có thể là tiếng Anh hay tiếng Việt tùy theo cách bạn đặt chế độ ngôn ngữ. Nhìn xuống góc phải phía dưới cùng của trang web bạn sẽ thấy hộp ngôn ngữ để chọn. Qua địa chỉ IP máy tính của bạn, Google sẽ biết bạn là người nước nào và tự chọn ngôn ngữ thích hợp. Ở tài liệu này chúng tôi trình bày với giao diện tiếng Anh.
Bạn bấm vào Create an account và đến trang web để điền thông tin đăng kí tài khoản, bao gồm:
- Name: tên bạn, gồm First name (tên gọi), Last name (họ)
- Choose your user name: đây là phần nằm trước đuôi @gmail.com. Nếu username bạn chọn đã bị dùng thì bạn sẽ nhận được thông báo: “Someone already has that username. Note that we ignore periods and capitalization in usernames. Try another?” Một cách tránh bị trùng là thêm con số vào. Ví dụ nếu Hung bị trùng thì Hung123 sẽ ít khả năng bị trùng hơn.
- Create a password: nhập mật khẩu vào đây
- Confirm your password: gõ lại mật khẩu một lần nữa (cho nhớ)
- Birthday: ngày sinh
- Gender: giới tính – male (nam), female (nữ)
- Mobile phone:
- Your current email address: bạn cần cung cấp một địa chỉ email khác của bạn cho Google để Google liên lạc khi bạn quên mật khẩu vào email mà bạn tạo
- Prove you’re not a robot: bạn phải nhập con số, chữ viết loằng ngoằng phía dưới để chứng minh mình là người chứ không phi là máy đang đăng kí tài khoản của Google. Nhiều hacker (tội phạm tin học) viết ra phần mềm đăng kí tài khoản tự động. Tuy nhiên các phần mềm này không có khả năng nhận diện được chữ viết loằng ngoằng này, chỉ có con người mới làm được. Đây là lí do tại sao bạn phải làm một việc kì cục như thế này.
Cuối cùng bạn bấm vào Next step.
2.2.2. Nhập số điện thoại để xác nhận tài khoản
Mặc dù ở bước trên bạn đã nhập mã chứng minh mình là người chứ không phải là robot nhưng Google vẫn cần xác nhận thêm một lần nữa qua điện thoại rằng quả thật việc đăng kí này là do một người nào đó cụ thể thực hiện.
Sau bước trên, Google sẽ yêu cầu bạn nhập số điện thoại của mình vào để Google gửi tin nhắn (SMS) hoặc gọi điện thoại (voice call) để báo cho bạn biết mã số xác nhận tài khoản cho bước sau. Bạn phải chọn đúng đất nước, (ở đây là Việt Nam), số điện thoại của bạn hoặc mượn của người khác (việc này không gây ra vấn đề gì vì Google không xét đến số điện thoại là của ai).
Bấm Continue, tùy theo bạn chọn SMS hay Voice call mà bạn nhận được tin nhắn hay cuộc gọi báo cho bạn biết con số cần nhập vào hộp thoại dưới đây:
Nếu không nhận được tin nhắn/cuộc gọi bạn có thể bấm nút Back để chuyển ngược lại sang cuộc gọi/tin nhắn. Cũng đừng ngạc nhiên nếu bạn nhận được cuộc gọi với giọng người nước ngoài, người ta nói đủ chậm và lặp lại 2 lần để bạn ghi được con số.
Sau khi nhập mã số xác nhận, bấm Continue. Bấm Next step, Continue to Gmail.
Bạn có thể gặp màn Account setting như dưới đây cho bạn tinh chỉnh lại tài khoản Gmail của mình. Đáng chú ý là bạn có thể đặt lại giao diện của tài khoản của mình là tiếng Anh hay tiếng Việt trong mục Language.
Cuối cùng bạn đến được email của mình và thấy Google gửi cho bạn mấy email chúc mừng như hình vẽ dưới đây.
2.2.3. Chuyển đổi ngôn ngữ tiếng Anh/tiếng Việt cho tài khoản email
Mặc dù ở trên chúng tôi đã cố tình chọn ngôn ngữ là English (US), Location cũng là US nhưng địa chỉ IP vẫn là của Việt Nam nên Google sẽ tự động gán giao diện Gmail là ngôn ngữ là tiếng Việt.
Nếu muốn chuyển lại tiếng Anh, bạn hãy đăng nhập vào tài khoản của mình rồi nhìn sang góc phải trên của trình duyệt để bấm vào và chọn Cài đặt.
Một trang tinh chỉnh hiện ra, bạn chọn mục “Ngôn ngữ hiển thị cho Gmail” là English (US), và thậm chí “Thay đổi cài đặt ngôn ngữ cho các sản phẩm khác của Google”. Cuối cùng bấm vào nút “Lưu thay đổi” ở cuối màn hình.
2.3. Duyệt email trên webmail
# | Email client | % usage |
1 | Apple iPhone | 23% |
2 | Outlook | 19% |
3 | Apple iPad | 12% |
4 | Apple Mail | 8% |
5 | Google Android | 8% |
Top 5 email client phổ biến nhất
Nguồn: Litmus Email Analytics 7/2013 |
Sau khi có tài khoản email, bạn có thể xem email (gọi là check mail), soạn và gửi email. Để làm việc này bạn vào trang gmail.com và đăng nhập với tài khoản của mình. Lúc này mọi thao tác bạn làm đều là làm trên web nên dịch vụ email kiểu này còn được gọi là webmail.
Các thao tác gửi, nhận email để dành cho bạn đọc khám phá.
2.4. Duyệt email trên email client
Ngoài cách duyệt email trên web, thì còn có thể duyệt email qua phần mềm – những phần mềm gọi là email client. Với điện thoại di động (màn hình nhỏ) thì người ta duyệt mail qua phần mềm email client chứ không qua webmail được. Với máy tính để bàn thì Outlook của Microsoft là phần mềm email client phổ biến nhất.
Phần mềm duyệt email client có 2 ưu điểm: (1) một phần mềm nhưng duyệt được nhiều loại email, trong khi webmail chỉ được một, (2) có thể lưu trữ email lên máy tính để khi không có kết nối internet vẫn có thể xem lại được.
Khám phá với Outlook xin để dành cho bạn đọc.
3. Tìm kiếm
Công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới là Google Search của hãng Google, với địa chỉ là google.com. Theo sau Google là Bing (của Microsoft) và Yahoo Search (của Yahoo) (xem bảng).
# | Search engine | Số người dùng
trong 1 tháng |
1 | 900 triệu | |
2 | Bing | 165 triệu |
3 | Yahoo! Search | 160 triệu |
4 | Ask | 125 triệu |
5 | AOL Search | 33 triệu |
Top 5 công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới (Nguồn: eBizmba.com) |
Dưới đây trình bày về công cụ tìm kiếm google.com:
3.1. Tìm kiếm dạng text
Để tìm kiếm, bạn gõ từ khóa (keyword) tìm kiếm tức là cái từ mà bạn mong đợi các văn bản, trang web mình thu được sẽ chứa. Ví dụ nếu từ khóa là người cao nhất (không có dấu ngoặc kép) kết quả có thể là: “người cao nhất thế giới” (độ dài), “người cao tuổi nhất thế giới” (độ tuổi), hoặc thậm chí là “người ăn cao hổ nhiều nhất”, “… người cao tuổi. Nguyễn Văn Nhất là một trong số đó”. Để tránh tình trạng kiểu này bạn có thể đặt từ khóa tìm kiếm trong dấu ngoặc kép “người cao nhất” (chú ý dấu ngoặc kép), lúc đó mọi kết quả tìm kiếm đều chứa chính xác cụm “người cao nhất”. Việc cho dấu ngoặc kép đương nhiên sẽ hạn chế số kết quả tìm kiếm.
Bạn cũng có thể kết hợp nhiều từ khóa tìm kiếm. Ví dụ tìm những văn bản, trang web có chứa cả từ “người cao tuổi” và “người già”, lúc đó bạn chỉ việc dùng dấu + để nối 2 từ khóa tìm kiếm: “người cao tuổi”+”người già”.
3.2. Tìm kiếm dạng image (ảnh), video (phim)
Trên thanh công cụ trang tìm kiếm google.com, bạn sẽ thấy ngoài mục Search (mặc định) là chế độ tìm kiếm kiểu text, bạn còn có thể tìm kiếm theo Images (ảnh), News (tin tức), Video (phim) hoặc nhiều thể loại khác (More).
Ví dụ như cùng với từ khóa “barack obama” trong chế độ tìm Images và tìm kiếm Videos:
3.3. Tìm kiếm bản đồ
Hãng Google còn có dịch vụ Google Maps cho phép tìm kiếm bản đồ, đường đi của bất cứ địa điểm nào trên quả đất này. Nếu lần đầu tiên bạn dùng Google Maps thì cũng đừng ngạc nhiên là Google Map sẽ chỉ ra được bản đồ, đường đi đến nhà bạn.
Trang web tìm kiếm bản đồ đó là maps.google.com. Bạn gõ địa chỉ cần tìm đường đi vào ô tìm kiếm, Google sẽ chỉ ra bản đồ của khu vực này ở dạng phong cảnh thật nhìn từ trên vệ tinh xuống hay ở dạng bản đồ đường đi. Ví dụ dưới đây cùng là từ khóa “lăng hồ chủ tịch” với 2 chế độ – Ảnh vệ tinh (nhìn từ trên cao xuống) và Bản đồ (bản đồ đường đi).
Hoặc một số loại bản đồ được phát triển cho mục đích riêng ví dụ như Bản đồ của Học Viện Nông nghiệp được thiết kế phục vụ cho mục đích tra cứu địa điểm, văn phòng, giảng đường và các tài nguyên khác trong Học Viện.