Bài 2: Giới thiệu ngôn ngữ lập trình C++
Lịch sử hình thành
Ngôn ngữ lập trình C++ được ra đời dựa trên nền tảng của ngôn ngữ lập trình C. Ngôn ngữ lập trình C được phát triển trong năm 1972 bởi Dennis Ritchie tại Phòng thí nghiệm Bell Telephone, C chủ yếu là một ngôn ngữ lập trình hệ thống, nó trở thành ngôn ngữ cho các bài toán khoa học kỹ thuật.
Ngôn ngữ lập trình C++ được giới thiệu vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20 bởi Bjarne Stroustrup, C++ là một ngôn ngữ hướng đối tượng. Trải qua nhiều năm ohast triển, C++ hiện nay là một trong những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. C++ được dùng trong hầu khắp các trường đại học và là ngôn ngữ phù hợp cho các bài toán khoa học kỹ thuật.
Đặc trưng của ngôn ngữ C++
C++ là một ngôn ngữ lập trình bậc trung, nó có thể được dùng để phát triển những ứng dụng bậc cao và cả những ứng dụng bậc thấp chạy trên phần cứng.
Khác với C, C++ là một ngôn ngữ hướng đối tượng, được thiết kế để tiếp cận với một phong cách lập trình hoàn toàn mới vào thời điểm đó là lập trình hướng đối tượng. C là ngôn ngữ hướng cấu trúc, tức là một chương trình sẽ được chia ra thành nhiều hàm hoặc thủ tục, mỗi hàm hoặc thủ tục có một nhiệm vụ cụ thể để thực thi.
C++ cũng được có thể viết dưới dạng các chương trình hướng cấu trúc như ngôn ngữ C. C++ có thể chạy trên nhiều nền tảng khác nhau như Windows, MacOS, một số biến thể của UNIX, …
Môi trường lập trình của C++
Hiện nay, có nhiều môi trường hỗ trợ ta viết, dịch và chạy các chương trình C++ như: Dev C++, Borland C++, Visual Studio, … Hình dưới đây là giao diện của phần mềm Code::Blocks, trong đó hệ thống giao diện bao gồm các chức năng như File, Edit, … dùng để hỗ trợ các thao tác trong việc soạn thảo chương trình. Sau khi viết xong chương trình, ta cần lưu trữ tệp tin trên ổ cứng, dịch và kiểm tra lỗi, cuối cùng mới chạy chương trình.
Cách thiết kế và phát triển một chương trình bằng ngôn ngữ lập trình C++
Một chương trình được viết bằng ngôn ngữ C++ được xây dựng bằng cách kết hợp các module lại với nhau. Mỗi module được thiết kế và phát triển để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, nó giống như một chương trình con.
Lợi ích của việc thiết kế chương trình theo module là ta có thể phát triển, thiết kế tổng thể của chương trình trước khi viết bất kỳ module nào. Sau khi hoàn thiện từng module, ta có thể tích hợp chúng vào trong chương trình.
Đặc biệt, trong C++, module có thể là các lớp, các hàm. Hàm giống như mô hình hộp đen, qua các bước biến đổi xử lý nhằm biến dữ liệu đầu vào thành dữ liệu đầu ra. Lớp là đơn vị phức tạp hơn hàm, trong lớp chứa dữ liệu và các hàm được phép xử lý dữ liệu đó. Đó cũng chính là sự khác biệt giữa hàm và lớp. Tức là hàm chứa một tập các thao tác xử lý. Còn lớp thì chứa các dữ liệu đầu vào, dữ liệu đầu ra và các thao tác xử lý các dữ liệu này.