Kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ

Giới thiệu

Quyền sở hữu trí tuệ
Bạn thường nghe đài báo, ti vi, internet nói nhiều về việc “vi phạm bản quyền”, “tranh chấp thương hiệu”, “Việt Nam ban hành luật sở hữu trí tuệ”, “gia nhập công ước Berne bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm nước ngoài” nhưng thấy những thuật ngữ này thật mơ hồ? Nói một cách nôm na, câu chuyện “sở hữu trí tuệ” xoay quanh việc “sở hữu” đối với một loại tài sản như ca khúc, phần mềm, tiểu thuyết, thiết kế máy móc, … gọi là “tài sản trí tuệ” (vì thế mà nói tắt thành sở hữu trí tuệ). Những tài sản trí tuệ kiểu này rất dễ bị sao chép thế nên mối quan hệ về quyền lợi của người sáng tạo ra, tức là người chủ sở hữu, và những người sử dụng, những người không phải là chủ sở hữu, bỗng trở nên phức tạp đòi hỏi phải ra đời một loại luật mới, gọi là luật sở hữu trí tuệ.

(Theo chúng tôi, trong thời đại tri thức ngày nay, kiến thức về “sở hữu trí tuệ” là rất đáng được đưa vào chương trình đại học cho sinh viên của tất cả các ngành nghề, thế nên chúng tôi chủ đích viết chương này rộng ra với nhiều ví dụ ngoài ngành Công Nghệ Thông Tin. Điều này cũng cập nhật với sự phát triển nhận thức của người Việt Nam về tài sản trí tuệ mà biểu hiện rõ nét là việc Việt Nam ban hành luật sở hữu trí tuệ, gia nhập công ước Berne, hiệp định TRIPS.)

1. Tài sản trí tuệ

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta đã quen thuộc với các tài sản vật chất như: một ngôi nhà, một cái bàn, một chiếc xe, …. Mối quan hệ quan trọng nhất giữa người với người đối với  tài sản là quan hệ sở hữu. Dù không học luật nhưng ai cũng có ý thức về sự sở hữu tài sản: nếu chiếc xe này là của anh Bình thì chỉ có anh Bình mới có toàn quyền sử dụng, sửa chữa, chuyển nhượng chiếc xe còn tất cả những người khác (không phải chủ sở hữu) đều không có quyền gì với chiếc xe trừ khi hỏi xin và được anh Bình cho phép. Với tài sản vật chất, người chủ sở hữu cũng rất dễ dàng tự bảo vệ sự sở hữu của mình: anh Bình sẽ khóa xe và cất trong nhà để ngăn chặn mọi hành vi sử dụng trái phép chiếc xe của mình. Tuy nhiên có một loại tài sản khác mà những người không phải chủ sở hữu thì rất dễ quên đi ý thức về sự sở hữu đối với loại tài sản này trong khi đó bản thân người chủ sở hữu lại không có cách gì ngăn chặn được việc sử dụng trái phép tài sản của mình. Đó là tài sản trí tuệ.

Intellectual Property

Thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” mà người Việt hay nói được dịch từ “intellectual property”. Trong tiếng Anh từ “property” có nghĩa là “tài sản”, nhưng khi nói “tài sản” người ta thường ngụ ý nó thuộc về ai đó, do đó từ “property” trong ngành luật học còn được hiểu là “sự sở hữu”. Vì vậy có thể coi “intellectual property” vừa là “tài sản trí tuệ” vừa là “sự sở hữu tài sản trí tuệ” (mà gọi tắt là “sở hữu trí tuệ”).

Một số tác giả (tiếng Anh) thậm chí còn coi “intellectual property” cũng là “quyền sở hữu trí tuệ” (intellectual property rights) hoặc “luật sở hữu trí tuệ” (intellectual property law).

Tài sản trí tuệ là các thành quả sáng tạo của con người; Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) của Liên Hiệp Quốc (UN) liệt kê một số tài sản trí tuệ theo 2 phân loại chính:

  • Tác phẩm (work): tác phẩm mang tính văn chương (thơ, tiểu thuyết, kịch, truyện, sách tham khảo, báo), tác phẩm nghệ thuật (tranh, ảnh, phim, ca khúc, tranh, điêu khắc, vở múa, quảng cáo), bản vẽ kiến trúc, phần mềm, cơ sở dữ liệu, chương trình ti vi, radio, …
  • Tài sản trí tuệ trong công nghiệp: sáng chế (invention), thiết kế kiểu dáng công nghiệp (industrial design), thương hiệu (trademark), bí mật kinh doanh (trade secret), mạch tích hợp (integrated circuit), chỉ dẫn địa lí (geographical indicator), …

Mỗi tài sản trí tuệ đều cần một phương tiện vật lí để thể hiện nó nhưng giá trị cốt lõi của tài sản trí tuệ nằm ở ý tưởng sáng tạo chứ không phải ở phương tiện vật lí thể hiện. Một tiểu thuyết có thể được thể hiện qua nhiều dạng vật lí: một file .docx trên máy tính, bản thảo viết tay hoặc giọng đọc của phát thanh viên trên đài, nhưng giá trị của tiểu thuyết không phụ thuộc vào dạng vật lí biểu hiện mà chỉ nằm ở cốt truyện, lời thoại, … tức là những thứ mà trí tuệ nhà văn sáng tạo ra. Vì muốn nhấn mạnh đến trí tuệ làm ra tài sản nên người ta gọi tên “tài sản trí tuệ”.

Đặc điểm quan trọng nhất của tài sản trí tuệ là nó rất dễ bị nhân bản và khó có cách gì hiệu quả để ngăn chặn được việc này. Như bạn thấy, ai cũng có thể dễ dàng sao chép đĩa CD ca nhạc hoặc photo một cuốn sách. Ngay cả khi phần mềm được đặt mã khóa dùng thử, thậm chí các công ty lớn như Sony, Apple cài công nghệ DRM lên các đĩa CD, file ca nhạc để chống nạn sao chép lậu thì cũng chỉ sau một thời gian ngắn, giới cracker lại tìm được cách vượt qua các công nghệ này và cuối cùng việc sao chép vẫn rất dễ dàng.

Bởi có nhiều bản sao của một tài sản trí tuệ thế nên khi một người nào đó sử dụng tài sản trí tuệ thì sẽ không gây ra tình trạng khan hiếm hàng cho người khác. Với tài sản vật chất, như chiếc xe đạp, nếu tôi dùng thì người khác không thể dùng được nữa vì chỉ có một chiếc xe. Nhưng với tài sản trí tuệ, như một phần mềm, thì cùng một lúc nhiều người dùng các bản sao khác nhau mà không gây cản trở cho nhau.

Với một tài sản trí tuệ người ta cũng rất dễ dàng tạo ra tài sản trí tuệ phái sinh. Ví dụ như từ một cuốn sách của nước này, người ta có thể dịch ra nước khác; từ một tiểu thuyết có thể chuyển thể thành kịch bản phim. So với tài sản vật chất, như chiếc xe đạp, khi đã sửa đổi thì tài sản gốc sẽ mất đi, còn tài sản trí tuệ gốc vẫn tồn tại cùng với tài sản phái sinh. Vấn đề sở hữu với tài sản trí tuệ phái sinh sẽ trở nên phức tạp vì cả người sáng tạo sau và người sáng tạo gốc đều có công trong việc tạo ra tài sản trí tuệ phái sinh.

Một số tài sản trí tuệ khi đã được công bố thì rất khó rút lại. Với tài sản vật chất, như chiếc xe đạp, nếu đã “khoe” ra thì sau đó vẫn có thể dễ dàng cất giấu đi để không ai dùng được. Nhưng với tài sản trí tuệ, như thiết kế cách xoay màn hình của máy xách tay, một khi đã bị lộ ra thì chỉ cần một cái liếc mắt nhìn, người ta có thể học lỏm được ý tưởng và áp dụng vào sản xuất trước cả khi người sáng tạo triển khai.

2. Quyền sở hữu trí tuệ

Dù là tài sản vật chất hay tài sản trí tuệ, đằng sau một tài sản luôn là người chủ sở hữu của tài sản đó. Với tài sản trí tuệ, tác giả (người sáng tạo ra) tài sản trí tuệ sẽ là người chủ sở hữu (đầu tiên) của tài sản trí tuệ đó.

Khi có sự sở hữu thì sẽ có sự đối lập về quyền giữa hai bên:

  • Một bên là người chủ sở hữu – có toàn quyền sử dụng, sửa đổi, chuyển nhượng, … đối với tài sản (vật chất/trí tuệ) của mình
  • Một bên là tất cả những người còn lại – những người này không phải là chủ sở hữu nên không có một quyền gì đối với tài sản trừ khi người chủ sở hữu cho phép.

Tập hợp tất cả các quyền bao gồm quyền sử dụng, quyền sửa đổi, quyền chuyển nhượng, … v.v. mà người chủ sở hữu có được đối với tài sản của mình được gọi là quyền sở hữu; như vậy quyền sở hữu không phải là một quyền đơn là một tập hợp các quyền. Quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ được gọi bằng một tên riêng là quyền sở hữu trí tuệ. Và thậm chí quyền sở hữu trí tuệ còn được gọi bằng tên riêng khác nữa là “bản quyền”/“quyền tác giả” khi nói về tác phẩm (văn chương, nghệ thuật, phần mềm, thiết kế kiến trúc, …) hay là “quyền sở hữu công nghiệp” khi nói về tài sản trí tuệ công nghiệp (theo phân loại của WIPO ở mục trên). Nếu bạn là chủ sở hữu của tài sản thì không phải bạn muốn làm gì với tài sản của mình cũng được (vì có thể gây ảnh hưởng xấu cho người khác); luật pháp sẽ qui định cụ thể quyền sở hữu (đối với tài sản vật chất) hay quyền sở hữu trí tuệ (đối với tài sản trí tuệ) bao gồm những quyền con gì.

Sở hữu trí tuệ

Ý thức về quyền sở hữu đối đối với tài sản vật chất “nếu anh là chủ sở hữu của đồ vật đó thì tôi không được động vào khi chưa được sự đồng ý của anh” được hình thành ngay từ khi loài người biết chiếm hữu đồ vật làm của riêng. Tuy nhiên ý thức về quyền sở hữu trí tuệ thì không có được dễ dàng như vậy. Khi người ta thấy chiếc xe đạp (tài sản vật chất) của anh Bình thì không ai dám dùng mà không hỏi mượn anh Bình (trừ khi cố tình ăn cắp). Nhưng khi người ta thấy phần mềm do anh Bình làm để bán, thể hiện qua file chương trình trên Internet thì cứ thế download về dùng mà không có ý thức cần phải hỏi xin như hỏi mượn xe đạp. Người ta làm việc này là bởi 2 yếu tố:

  • Về kĩ thuật: Việc nhân bản (sao chép) tài sản trí tuệ là rất dễ dàng, không tốn kém. Người chủ sở hữu không có cách gì hiệu quả để ngăn chặn được việc này.
  • Về tâm lý: Người sao chép có cảm giác an toàn vì việc tạo thêm một bản sao của tài sản trí tuệ (dường như) không gây “mất” gì cho người chủ sở hữu. (Tài sản trí tuệ có đặc điểm là nhiều người có thể dùng cùng một lúc mà không gây cản trở cho nhau) Thêm nữa người chủ sở hữu không thể nhận biết được tài sản trí tuệ của mình đang bị nhân bản và sử dụng trái phép.

Bởi người chủ sở hữu của tài sản trí tuệ rất khó ngăn chặn được người khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình nên người ta có nhu cầu về sự công nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ từ luật pháp. Đây chính là lí do ra đời luật sở hữu trí tuệ bên cạnh luật sở hữu tài sản vật chất.

3. Luật sở hữu trí tuệ

Nếu như luật sở hữu tài sản vật chất được hình thành từ sớm thì luật sở hữu trí tuệ chỉ hình thành khi người tắt đầu  biết cách nhân bản tài sản trí tuệ. Ở thời kì mà người ta làm sách bằng cách khắc gỗ thì khó khăn trong việc sao chép ngăn người ta vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả. Nhưng đến khi máy in ra đời (khoảng giữa thế kỉ XV), sự dễ dàng in sao một cuốn sách làm nảy sinh ra nhu cầu ngăn ngừa việc sử dụng, sao chép trái phép tài sản trí tuệ và đến năm 1710 ở Anh, Đạo luật Anne (Statute of Ann) về bản quyền sách theo nghĩa hiện đại ra đời. Thời đại tri thức ngày nay, tài sản trí tuệ được đánh giá cao hơn bao giờ hết; hơn nữa với nền công nghệ thông tin hiện nay khi mà mọi tài sản trí tuệ (sách, ca nhạc, phim, văn bản, phần mềm, …) đều được số hóa và sau đó sao chép dễ dàng, thậm chí còn bị phát tán toàn cầu trên Internet thì nhu cầu về luật sở hữu trí tuệ lại càng cấp thiết. Ngày nay hầu hết các quốc gia đều có luật sở hữu trí tuệ trong hệ thống luật pháp của mình; Việt Nam ban hành luật sở hữu trí tuệ vào năm 2005 với hiệu lực từ 1/7/2006.

Nội dung và phạm vi của luật sở hữu trí tuệ

Các khái niệm cơ bản trong luật sở hữu trí tuệ

Tài sản trí tuệ: (theo phân loại của WIPO) tác phẩm (ca khúc, tiểu thuyết, phần mềm, …) và tài sản trí tuệ công nghiệp (sáng chế, thiết kế kiểu dáng công nghiệp của hàng hóa, …)

Quyền sở hữu trí tuệ: quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ (= tất cả các quyền đối với tài sản trí tuệ của tác giả (được gọi là người chủ sở hữu)

Luật sở hữu trí tuệ: luật về sự sở hữu đối với tài sản trí tuệ

Bản quyền: quyền sở hữu trí tuệ đối với một loại tài sản trí tuệ là
tác phẩm văn học, nghệ thuật, phần mềm, …

Quyền sở hữu công nghiệp: quyền sở hữu trí tuệ với một loại tài
sản trí tuệ là các thiết kế kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, …

Bằng sáng chế: là giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ
đối với sáng chế (do Cục sở hữu trí tuệ của quốc gia cấp)

Luật sở hữu trí tuệ, như tên gọi của nó, là luật về sự sở hữu đối với tài sản trí tuệ. Luật này sẽ qui định cụ thể quyền của người chủ sở hữu (tức là quyền sở hữu trí tuệ) và quyền của những người không là chủ sở hữu đối với từng loại tài sản trí tuệ. Các tài sản trí tuệ khác nhau sẽ đặt ra những quyền đặc thù cùng những ngoại lệ khác nhau: ca khúc sẽ có qui định về quyền biểu diễn trong khi tiểu thuyết sẽ có qui định về quyền dịch/chuyển thể; tác phẩm văn chương thì có ngoại lệ “fair use” trong khi sáng chế thì không, v.v. Dù mỗi loại tài sản trí tuệ có đặc thù riêng nhưng nhìn chung với tài sản trí tuệ nào thì người chủ sở hữu cũng có mọi quyền (sử dụng, sao chép, sửa đổi, chuyển nhượng, …) còn người không là chủ sở hữu thì không có quyền gì (nếu không có sự đồng ý từ người chủ sở hữu).

Đến đây bạn đọc có thể hỏi vậy “quyền” là gì? Khi pháp luật quy định anh Bình có quyền làm việc này thì điều này chỉ đơn giản nghĩa là khi anh Bình làm việc đó luật pháp sẽ không trừng phạt anh Bình; ngược lại khi nói anh Bình không có quyền (hay bị cấm) làm việc này thì tức là khi anh Bình làm việc đó và nếu bị tố giác thì anh Bình sẽ bị luật pháp sẽ trừng trị (phạt tiền, bỏ tù). Việc luật pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là khi ai đó xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu tài sản trí tuệ và nếu bị tố giác thì sẽ bị luật pháp ngăn cản và trừng phạt. Điều này không có nghĩa là luật pháp phải có biện pháp ngăn ngừa việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho tác giả, tác giả vẫn phải tự mình làm việc này.

Không phải tất cả mọi thành quả trí tuệ được bảo hộ bởi luật sở hữu trí tuệ. Các chân lí, sự thật không thể là của riêng cá nhân khám phá ra mà phải là của chung cả cộng đồng. Bạn thử tưởng tượng xem nếu ba định luật cơ học Newton, thuyết tiến hóa Darwin chỉ thuộc sở hữu của riêng Newton, Darwin, ai dùng cũng phải xin phép thì văn minh nhân loại sẽ tiến lên như thế nào.

Bởi sự hiện diện của tài sản trí tuệ chỉ được ghi nhận qua phương tiện vật lí biểu đạt nên luật sở hữu trí tuệ chỉ tập trung vào các quyền quản lí các thể hiện vật lí của tài sản trí tuệ, chứ không nhắm vào ý tưởng sáng tạo của tài sản. Trên thực tế không có cách gì quản lí được ý tưởng mà không liên hệ với thể hiện vật lí của nó. Ví dụ bạn là tác giả (chủ sở hữu) của ý tưởng thiết kế nắp trượt cho điện thoại di động và bạn cho rằng một công ty đã học lỏm thiết kế này, nên bạn đi kiện công ty về việc sử dụng trái phép ý tưởng của bạn (quyền sở hữu không cho phép người khác sử dụng trái phép). Tuy nhiên nếu mọi điện thoại di động của công ty sản xuất không có cách trượt nắp như của bạn thì tòa án không có chứng cứ gì để phán quyết công ty sử dụng trái phép ý tưởng của bạn.

Luật sở hữu trí tuệ chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi đất nước của người chủ sở hữu, trong khi tài sản trí tuệ có thể có thể bị sao chép, sử dụng trái phép ở nước ngoài và việc kiện cáo ở nước ngoài sẽ rất tốn kém và khó khăn. Điều này dẫn đến nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài và giữa các quốc gia. Đây là lí do ra đời công ước Berne, hiệp định TRIPS và Việt Nam đã gia nhập các công ước và hiệp định này (xem mục 7).

Ý nghĩa của luật sở hữu trí tuệ

Mục đích đầu tiên của luật sở hữu trí tuệ là bảo vệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và do đó bảo vệ lợi ích kinh tế từ tài sản trí tuệ cho người chủ sở hữu (tác giả). Lấy ví dụ phần mềm: một công ty cất công làm phần mềm để bán rất xứng đáng thu lại chút gì đó nhưng nếu ai cũng sao chép trái phép để dùng mà không mua quyền sử dụng thì sẽ dẫn đến công ty thua lỗ, không dám làm phần mềm nữa. Luật pháp bảo hộ quyền sở hữu phần mềm cho công ty bằng cách cấm người dùng sử dụng trái phép, tức là gây áp lực để người dùng phải mua nên sẽ giúp công ty bán được nhiều hơn để có thể quay vòng vốn phát triển tiếp, nói cách khác là giúp công ty tiếp tục đầu tư sáng tạo. Luật sở hữu trí tuệ cũng bảo vệ danh dự người sáng tạo trong trường hợp tác phẩm bị xuyên tạc. Trong công nghiệp luật sở hữu trí tuệ có hình thức ghi nhận sự sáng tạo thể hiện qua bằng độc quyền sáng chế; đây cũng là một hình thức khuyến khích sáng tạo.

Khi sự sáng tạo được khuyến khích thì xã hội sẽ được hưởng lợi nhất vì các tài sản trí tuệ được làm ra là để phục vụ xã hội. Quay lại với ví dụ phần mềm: nếu lợi ích của người làm phần mềm không được đảm bảo thì ít người dám làm phần mềm do đó giá phần mềm sẽ cao. Nhưng khi lợi ích được đảm bảo, nhiều người làm phần mềm thì giá phần mềm sẽ hạ nên càng có nhiều người có thể sử dụng phần mềm hơn. Như vậy tôn trọng quyền sở hữu tài sản trí tuệ không những mang lại lợi ích vốn rất xứng đáng cho tác giả mà về lâu dài mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.

Mục đích vì lợi ích cộng đồng của luật sở hữu trí tuệ còn thể hiện ở chỗ luật chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong một thời gian hữu hạn, hết thời gian này tài sản trí tuệ vốn ban đầu của cá nhân tác giả phải trở thành sở hữu của tất cả mọi người (gọi là sở hữu công – xem mục 4), lúc đó ai cũng có mọi quyền khai thác tùy ý tài sản trí tuệ. Như vậy luật sở hữu trí tuệ ban đầu là vì cá nhân tác giả, khuyến khích tác giả sáng tạo để cuối cùng là đem cho cả xã hội.

4. Sở hữu công (public domain)

Đối ngược với sở hữu trí tuệ là sở hữu công

Ở trên khi ta nói về tài sản (cả vật chất hay trí tuệ) thì muốn nhấn mạnh nó thuộc quyền sở hữu của một cá nhân cụ thể nào đó (tức là “của riêng”) nhưng có những tài sản trí tuệ lại thuộc về tất cả mọi người (tức là “của chung”) và được gọi là sở hữu công (public domain). Một khi là tài sản sở hữu công thì ai cũng có mọi quyền sử dụng, sửa chữa, khai thác … tài sản. Một tài sản trí tuệ là sở hữu công nếu:

  • Tài sản trí tuệ vốn được tạo ra bởi cộng đồng. Ví dụ: tiếng Anh, dân ca quan họ Bắc Ninh.
  • Tài sản trí tuệ là chân lí, sự thật tuy được khám phá bởi cá nhân nhưng không thể đặt quyền sở hữu cá nhân lên được vì sẽ cản trở sự phát triển của nhân loại. Ví dụ: định luật Newton, thuyết tiến hóa Darwin.

anh

anh

  • Tài sản trí tuệ ban đầu là sở hữu cá nhân nhưng sau một thời gian quyền sở hữu cá nhân hết hạn. Ví dụ: kịch Shakespeare, nhạc Beethoven, đèn điện Edison.

Với tiếng Anh, dân ca Quan họ, định luật Newton, kịch Shakespeare thì bạn có mọi quyền sử dụng, phát triển, viết sách, in sao sách và băng đĩa, bán và phân phối, v.v những thứ này một cách tùy ý. Thậm chí khi luật sở hữu trí tuệ của đất nước bạn không có qui định về quyền nhân thân (xem mục 5 dưới đây), thì bạn có thể lấy kịch Shakespeare và đề tên mình rồi in sách mà không vi phạm luật sở hữu trí tuệ (nhưng sẽ mang tiếng xấu là đạo văn nghiêm trọng).

Tất cả sở hữu trí tuệ tất yếu trở thành sở hữu công

Như ở trên đã nói mục đích cuối cùng của luật sở hữu trí tuệ là hướng tới lợi ích cộng đồng thế nên nếu duy trì việc bảo hộ quyền sở hữu tài sản trí tuệ vĩnh viễn có thể sẽ cản trở sự phát triển của cộng đồng. Thử tưởng tượng nếu sáng chế về đèn điện cứ mãi mãi thuộc quyền sở hữu của Edison và con cháu của Edison thì lãng phí tài chính cho việc mua quyền sử dụng sáng chế sẽ lớn như thế nào. Thêm nữa người chủ sở hữu cũng chỉ sống được một số hữu hạn năm để hưởng thành quả kinh tế của mình nên quyền sở hữu không cần thiết phải kéo dài quá. Do đó luật sở hữu trí tuệ của tất cả các nước trên thế giới đều đặt giới hạn bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian hữu hạn, ví dụ:

anh

  • Sáng chế/kiểu dáng công nghiệp ở phần lớn các nước được bảo hộ trong 20 năm/10 năm kể từ khi đăng kí.
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật, phần mềm được các nước tham gia công ước Berne bảo hộ trong thời gian chủ sở hữu sống cho đến 50 năm sau khi chết.

Hết thời gian bảo hộ, các tài sản trí tuệ tự động trở thành tài sở hữu công, ai cũng có mọi quyền khai thác. Nhìn vào số năm bảo hộ tài sản trí tuệ (không quá 100 năm) thì có thể khẳng định chắc chắn là tất cả các tài sản trí tuệ gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, … trước thế kỉ 20 đều hết bạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên ai cũng có mọi quyền sử dụng, sao chép, sửa đổi, … Đây là lí do vì sao kịch Shakespeare được khắp nơi trên thế giới biểu diễn, cải biên, chuyển thể, in sách, ghi đia một cách tự do nhất có thể. Một ví dụ gần đây là hầu hết những phim câm những năm 1920, nhất là của danh hài Charlie Chaplin, đều trở thành public domain.

 

anh

Có nhiều khi, chủ sở hữu tài sản trí tuệ chủ động hủy bỏ quyền sở hữu trí tuệ của mình để tài sản trở thành sở hữu công. Đây là trường hợp của ngành phần mềm, rất nhiều lập trình viên, nhất là những người theo phong trào phần mềm nguồn mở đã làm việc này. Đại học UCLA có liệt kê một số phần mềm, tài liệu điện tử thuộc về public domain[1].

 

Một ví dụ điển hình khác là RasMol – phần mềm mô phỏng đồ họa cấu trúc phân tử ra đời những năm 1900 và hiện nay có khoảng 800 nghìn người dùng. Tác giả Roger Sayle đã chủ động đưa RasMol ra public domain, thế nên rất nhiều công ty đã ghi đĩa CD, in sách hướng dẫn … để kinh doanh từ phần mềm mà không cần hỏi xin RasMol. Trong khi đó bản thân Sayle không kiếm một đồng nào từ phần mềm.

Cấu trúc phân tử

5. Bản quyền

Mục này bàn về quyền của người chủ sở hữu và quyền của người sử dụng (những người không là chủ sở hữu) đối với loại tài sản trí tuệ gọi là “tác phẩm” (work) (theo cách phân loại của WIPO), bao gồm:

  • tác phẩm văn chương (thơ, tiểu thuyết, kịch, truyện, sách tham khảo, báo),
  • tác phẩm nghệ thuật (tranh, ảnh, phim, ca khúc, tranh, điêu khắc, vở múa, quảng cáo),
  • bản vẽ kiến trúc,
  • phần mềm, cơ sở dữ liệu,
  • chương trình ti vi, radio.

Để cho gọn dưới đây dùng từ tác phẩm để chỉ tất cả những tài sản trí tuệ này.

Bản quyền, Quyền tác giả

Tác giả của một tác phẩm sẽ thành người chủ sở hữu đầu tiên của tác phẩm (sau đó tác giả có thể chuyển nhượng quyền sở hữu này). Quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm được gọi là bản quyền (copyright) như ở Anh, Mỹ, Úc hoặc quyền tác giả (author’s right) như ở một số nước châu Âu theo công ước Berne và Việt Nam. Ở Việt Nam trong đời sống hàng ngày người ta hay dùng từ “bản quyền” nhưng suốt 93 trang của bộ luật sở hữu trí tuệ (2005) lại không có từ này, luật chỉ dùng từ “quyền tác giả”. Sự khác nhau giữa 2 thuật ngữ này là “quyền tác giả” thì có chứa thành phần quyền nhân thân còn “bản quyền” thì không; nhưng tạm thời để đỡ phức tạp hãy coi “bản quyền ≈ quyền tác giả”; ở tài liệu này chúng tôi sẽ dùng từ bản quyền để chỉ chung 2 khái niệm này (vốn không hoàn toàn trùng khít nhau).

Giống như người chủ sở hữu của một chiếc xe (tài sản vật chất) có toàn quyền sử dụng, quản lí với chiếc xe của mình, thì tác giả hay người giữ bản quyền tác phẩm sẽ có toàn quyền quyền sử dụng, sao chép, sửa chữa … với tác phẩm của mình còn những người khác thì không có một quyền gì với tác phẩm trừ trường hợp người giữ bản quyền đồng ý ban cho. Vì thế nên trong các chú thích về bản quyền của tác phẩm, người giữ bản quyền thường hay tuyên bố “All rights reserved” – nghĩa là tất cả các quyền (all rights) như quyền sao chép, sửa chữa, …v.v. của người sử dụng đã bị giữ lại (reserved) bởi người giữ bản quyền. Nếu người giữ bản quyền muốn cấp quyền gì cho người sử dụng thì phải ghi rõ ra, thậm chí lập thành giấy phép sử dụng (như với ngành công nghiệp phầm mềm). Thông thường tuyên bố ai là người giữ bản quyền và các quyền mà người giữ bản quyền ban cho người sử dụng sẽ được đi kèm với tác phẩm. Như với một cuốn sách thường được ghi sau trang bìa; với một phần mềm thường được hiện ra thành thông báo End User License Agreement ở bước đầu tiên của quá trình cài đặt phần mềm (và người dùng bấm nút “I agree” (đồng ý) để tiếp tục cài đặt).

Luật sở hữu trí tuệ của tất cả các nước, ngày nay đều công nhận khi tác giả vừa sáng tạo ra một tác phẩm thì tự động bản quyền tác phẩm thuộc về tác giả mà tác giả không cần phải làm thủ tục đăng kí bản quyền với bất kì tổ chức nào. Trước đây ở Mỹ, luật pháp yêu cầu mỗi tác phẩm phải được chú thích người giữ bản quyền theo khuôn dạng:

Copyright © <năm> by <tên người giữ bản quyền>

nhưng từ sau khi Mỹ gia nhập Công ước Berne thì yêu cầu này đã được bãi bỏ mặc dù thói quen này vẫn được duy trì và rất phổ biến sau đó. Kí hiệu © (viết tắt của copyright) đã trở thành biểu tượng của bản quyền.

Ví dụ 1: Chú thích bản quyền của cuốn sách  “Intellectual Property: A reference handbook” (Aaron Schwabach, 2007) mà tôi đang đọc để viết tài liệu này được ghi ở trang 2:

 

Copyright © 2007 by ABC-CLIO, Inc.

 

All rights reserved. No part of this publication may be reproduced, stored in a retrieval system, or transmitted, in any form or by any means, electronic, mechanical, photocopying, recording, or otherwise, except for the inclusion of brief quotations in a review, without prior permission in writing from the publisher.

Dịch nghĩa là: bản quyền thuộc về tập đoàn ABC-CLIO (thay vì thuộc về tác giả Aaron Schwabach – như vậy là có sự chuyển nhượng bản quyền). Độc giả, nhà in không có quyền gì bởi “All rights reserved” (tất cả các quyền đã bị giữ lại). Sách còn nhấn mạnh thêm: không được sao chép bất kì một phần nào của sách dưới bất cứ hình thức nào mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản từ phía nhà xuất bản. Trừ một ngoại lệ là độc giả có thể chép lại một đoạn ngắn trong sách làm trích dẫn trong các bài viết bình luận của mình. Vì ngoại lệ này mà việc trích dẫn của chúng tôi ở đây là không vi phạm bản quyền cuốn sách. Xem thêm phần Fair Use dưới đây để thấy thậm chí không cần có ghi chú này, việc chúng tôi trích dẫn sách vẫn là hợp pháp.

anh

Ví dụ 2: Chú thích về bản quyền và giấy phép cấp quyền sử dụng đối với hệ điều hành Windows (để hiện ra hộp thoại này bạn chọn Start, gõ winver, Enter).

Dịch nghĩa: bản quyền thuộc về Microsoft Coporation. Người dùng không có quyền gì vì “All rights reserved” (tất cả các quyền đã bị giữ lại), trừ những quyền được ghi trong Microsoft Software License (giấy phép sử dụng phần mềm của  Microsoft). Bấm vào đây bạn sẽ xem được giấy phép sử dụng Windows với các điều khoản mà người sử dụng phải tuân theo (nhưng thật sự không mấy ai đọc).

Khi một tác phẩm được công bố, thậm chí là khuyết danh nhưng miễn là có thể xác định được tác giả thì pháp luật sẽ bảo hộ bản quyền cho tác giả bằng cách cấm người khác sao chép, sử dụng, sửa đổi, … tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả. Tuy nhiên việc bảo hộ này chỉ diễn ra trong một thời gian hữu hạn. Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam (2005) và của những nước tham gia Công ước Berne qui định bản quyền tác phẩm được bảo hộ tính từ thời điểm tác phẩm được công bố đến 50 năm sau khi tác giả qua đời. Hết hạn bảo hộ bản quyền, tác phẩm trở thành tác phẩm không có bản quyền, hay tác phẩm sở hữu công (public domain) và ai cũng có mọi quyền sao chép, sửa đổi, … với tác phẩm mà không phải xin phép bất cứ ai. Xem thêm mục 4 – Sở hữu công.

Quyền của người giữ bản quyền và quyền của người dùng

Như trên đã nói người giữ bản quyền sẽ giữ tất cả các quyền đối với tác phẩm (“all rights reserved”), nhưng cụ thể các quyền đó là gì?

Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và một số nước châu Âu vốn chịu ảnh hưởng của công ước Berne phân loại: bản quyền, tức là một tập các quyền của tác giả, bao gồm hai tập quyền con là: quyền tài sản (property right) – mang lại lợi ích kinh tế cho tác giả, và quyền nhân thân (moral right) – mang lại lợi ích tinh thần cho tác giả. Người ta gọi là quyền tài sản vì các quyền trong tập quyền này có thể chuyển nhượng như với tài sản vật chất trong khi quyền nhân thân thì không thể chuyển nhượng được.

Tập quyền tài sản, tập quyền nhân thân bao gồm nhiều các quyền con khác như sơ đồ cấu trúc dưới đây:

anh

Quyền tài sản

Mỗi quốc gia có cách định nghĩa quyền tài sản riêng, ở đây chúng tôi tóm tắt lại thành 5 quyền con: (1) quyền sử dụng, (2) quyền sao chép, (3) quyền phân phối bản sao, (4) quyền tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc, (5) quyền biểu diễn khi tác phẩm là ca khúc, kịch bản. Những quyền này của riêng người giữ bản quyền, những người khác thì bị cấm (trừ khi tác giả đồng ý cho); có một ngoại lệ gọi là fair use (sẽ được giải thích ở dưới đây). Thông thường người giữ bản quyền sẽ thu lời kinh tế bằng việc bán những quyền này cho những ai muốn sử dụng, khai thác tác phẩm của mình. Việc bán quyền có thể là bán độc quyền khiến cho chính tác giả mất quyền. Ví dụ nhà văn A nếu bán độc quyền quyền in sách của mình cho nhà xuất bản B thì khi một nhà in hoặc chính bản thân nhà văn muốn in sách phải hỏi xin, mua từ nhà xuất bản B. Nhà văn đã mất quyền in tác phẩm của mình.

Dưới đây minh họa các quyền của người giữ bản quyền như là những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng (khi không được sự cho phép từ người giữ bản quyền).

Quyền sử dụng. Ví dụ: với phần mềm thương mại, bạn không có quyền dùng phần mềm nếu không mua. Từ góc độ sở hữu trí tuệ, khi bạn bỏ tiền mua phần mềm là bạn đang mua quyền sử dụng phần mềm, chứ không phải là trả tiền công cho người làm phần mềm! Người làm phần mềm bắt bạn mua quyền sử dụng bằng cách đặt mã khóa phần mềm lại nên khi bạn sao chép được phần mềm thì để cài được bạn phải mua số CD key/serial từ người giữ bản quyền. Theo ngôn ngữ luật học, việc mua quyền sử dụng còn được gọi là mua “licence” (giấy phép sử dụng) từ người giữ bản quyền phần mềm. “Licence” là căn cứ pháp luật đảm bảo người dùng không gặp rắc rối gì với pháp luật trong trường hợp người sử dụng phần mềm bị kiểm tra hoặc bị kiện vì vi phậm sở hữu trí tuệ. Thông thường, nếu bạn mua một “licence” thì bạn chỉ được dùng phần mềm trên một máy, nếu muốn dùng phần  mềm trên nhiều máy thì phải mua nhiều “licence”. Người ta gọi phần mềm có mua giấy phép sử dụng là “licensed software”, hay “phần mềm có licence”. Việc dùng số CD key/serial “chùa” trên Internet hoặc chạy crack/patch để qua mặt màn khóa phần mềm được gọi là “pirate” (ăn cướp) phần mềm của người giữ bản quyền; lúc đó người ta cũng nói bạn đang dùng “pirated software” (phần mềm ăn cướp); chúng tôi đề nghị dịch nhẹ đi là “phần mềm bẻ khóa” hay “phần mềm vi phạm bản quyền”.

ảnh

  • Quyền sao chép. Ví dụ 1: các hàng in ở cổng trường đại học Việt Nam mà thực hiện photo sách là đang vi phạm quyền sao chép tác phẩm của nhà xuất bản (đơn vị giữ bản quyền cuốn sách). Theo đúng luật bản quyền, các thư viện của trường đại học phải kí hợp đồng mua quyền sao chép với nhà xuất bản thì mới có thể photo sách ra cho sinh viên đọc. Ví dụ 2: mỗi khi bạn xem một bộ phim Mỹ, có thể bạn sẽ thấy mở đầu phim là cảnh báo của FBI (như hình bên) rằng việc sao chép bộ phim là vi phạm luật liên bang của Mỹ, có thể bị tù 5 năm hoặc phạt 250 000 USD.
  • Quyền phân phối bản sao. Phần mềm, sách, v.v. có thể được bán với giá khác nhau ở những vùng khác nhau. Ví dụ: phần mềm Kaspersky, nếu ở Việt Nam sẽ được bán với giá rẻ vì công ty Kaspersky có chính sách trợ giá cho nước đang phát triển, nhưng ở Singapore thì sẽ được bán với giá đắt. Công ty Kaspersky sẽ cấm các nhà bán lẻ phần mềm nhập hàng ở Việt Nam rồi phân phối lại ở Singapore để để hưởng chênh lệch về giá.

Quyền tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Tác phẩm phái sinh có thể là bản dịch, bản chuyển thể từ truyện thành kịch, phim của tác phẩm gốc. Muốn tạo tác phẩm phái sinh phải hỏi xin, mua từ tác giả gốc. Ví dụ: Series 7 tập tiểu thuyết Harry Potter của nhà văn J.K. Rowling là series tiểu thuyết ăn khách nhất mọi thời đại. Khi mỗi tập truyện được phát hành thì chỉ vài ngày sau cư dân mạng đã hợp sức dịch toàn bộ truyện và phát tán tràn lan trên Internet – đây là hành động tạo tác phẩm phái sinh mà không xin phép tác giả. Để có thể dịch hợp pháp, các nhà xuất bản phải mua quyền dịch từ phía tác giả J.K. Rowling và nhà xuất bản Bloomsbury (đơn vị giữ bản quyền Harry Potter); nhà xuất bản Trẻ của Việt Nam cũng đã làm đúng việc này[1]. Tương tự, để chuyển thể tiểu thuyết thành phim và game, hãng phim Warner Bros, hãng game EA Bright Light đã phải chi một số tiền lớn để mua quyền chuyển thể (Warner Bros đã phải trả nửa triệu USD cho mỗi tập Harry Potter). J.K. Rowling đã thu về được 41 triệu USD chỉ nhờ việc bán quyền xuất bản, quyền dịch sang 67 ngôn ngữ và quyền chuyển thể series truyện Harry Potter[2].

anh

  • Quyền biểu diễn.
    • Ví dụ: ở Việt Nam trước đây các ca sĩ khi biểu diễn một ca khúc (có thu tiền vé) thường không có ý thức hỏi xin nhạc sĩ cho mình quyền này. Nhưng ngày nay việc này vẫn diễn ra thậm chí ở cả những chương trình truyền hình lớn như Vietnam Idol 2010: ca sĩ Uyên Linh đã hát bài hát “Đường cong” của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong mà không xin phép trong khi trước đó ca sĩ Thu Minh đã mất tiền mua độc quyền quyền biểu diễn bài hát này. Thậm chí sau Vietnam Idol, Uyên linh vẫn tiếp tục biểu diễn thương mại ca khúc này[1]; cuối cùng nhạc sĩ Hải Phong buộc phải lên tiếng về hành vi vi phạm bản quyền này. Tương tự như vậy, các vụ vi phạm bản quyền trắng trợn kiểu này vẫn liên tiếp diễn ra như của ca sĩ Đông Hùng trong Sao Mai Điểm Hẹn 2012, Bùi Anh Tuấn trong The Voice 2012[2]. Điều này thể hiện không chỉ ca sĩ mà ban tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn cũng không có ý thức về sở hữu trí tuệ.
    • Cũng nói thêm: Ca sĩ lúc đầu phải mua quyền biểu diễn ca khúc từ nhạc sĩ nhưng sau đó có toàn quyền với buổi biểu diễn của mình mà không cần xin, mua từ nhạc sĩ nữa. Luật Anh, Mỹ thì coi ca sĩ giữ bản quyền buổi biểu diễn của mình, còn luật pháp Việt Nam cũng như Pháp, Đức thì gọi các quyền như thu tiền vé, ghi hình, phát hành đĩa … của buổi biểu diễn là các “quyền liên quan” (related rights – bắt nguồn từ tiếng Pháp droits voisins) và để ca sĩ giữ tất các quyền liên quan. Như vậy là vẫn có sự tương đương dù khác nhau về tên gọi.

Ngoại lệ Fair use

Việc cấm nghiêm ngặt các quyền khai thác tác phẩm sẽ trở thành thiếu nhân văn: ví dụ khi một thầy giáo muốn trích dẫn một đoạn văn trong báo cho sinh viên học hoặc khi một ca sĩ biểu diễn từ thiện ca khúc tại địa phương nhỏ lại phải mất công xin phép và đợi trả lời từ tác giả. Để tránh những phiền phức kiểu này, luật sở hữu trí tuệ đã phải can thiệp vào việc cấp quyền sử dụng của người giữ bản quyền bằng cách đặt ra một ngoại lệ gọi là “fair use” (sử dụng “đẹp”). Bất chấp người giữ bản quyền tuyên bố cấm bạn làm gì, luật pháp (vốn cao hơn người giữ bản quyền) sẽ cho phép bạn trích dẫn/sử dụng tác phẩm mà không cần hỏi xin, hỏi mua từ tác giả với điều kiện:

  • Có mục đích “đẹp” (fair): Người dùng sử dụng/trích dẫn tác phẩm vào mục đích giáo dục, nghiên cứu, nhân văn hoặc đưa tin thời sự, bình luận nhưng không được lạm dụng bằng cách sử dụng quá nhiều hoặc dùng để thu lời tài chính.
  • Biết ơn tác giả: Khi sử dụng, trích dẫn phải nêu lại tên người giữ bản quyền/tác giả và tên tác phẩm.

(Hai điều kiện này tương đương với điều 25, 26 của luật sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005.)

Ví dụ: phần lớn các cuốn sách thường ghi “cấm mọi hình thức sao chép dù một phần hay toàn bộ tác phẩm dưới bất kì hình thức nào” nhưng bạn vẫn có quyền trích dẫn sách mà không phải hỏi xin nhà xuất bản.

Với hai điều kiện “fair use” thì việc sử dụng không những không làm giảm lợi ích kinh tế của tác giả mà còn góp phần làm tác phẩm trở nên nổi tiếng hơn – và đây cũng thường là mong muốn của tác giả.

Cuối cùng, bạn đọc cũng cần chú ý rằng tất cả những hạn chế về quyền trên đây là dành cho tác phẩm có bản quyền. Với những tác phẩm không có bản quyền hay tác phẩm có bản quyền nhưng theo thời gian bị vô hiệu sẽ trở thành sở hữu công (public domain) sẽ không có người giữ bản quyền và vì thế không có ràng buộc gì cho người sử dụng, người sử dụng có mọi quyền với tác phẩm.

Quyền nhân thân

Những nước theo hệ thống luật án lệ kiểu Anh Mỹ không hề có khái niệm quyền nhân thân (moral right). Thuật ngữ này chỉ được dùng trong luật sở hữu trí tuệ của một số nước châu Âu tham gia công ước Berne; luật Việt Nam cũng theo cách này. Mỗi nước định nghĩa quyền nhân thân theo cách riêng nhưng thường ít nhất gồm 2 quyền sau:

  • Quyền đứng tên tác giả của tác phẩm.
  • Quyền phản đối những xuyên tạc, sửa chữa lên tác phẩm gây phương hại đến danh dự của tác giả.

Ví dụ: khi người ta nói nhà văn nhượng lại “bản quyền” cho nhà xuất bản thì không hẳn là nhà văn “mất đứt” tác phẩm. Nhà xuất bản vẫn phải đề tên nhà văn làm tên tác giả của tiểu thuyết. Và khi nhà văn thấy tiểu thuyết của mình bị sửa chữa làm sai lệch ý đồ thì có quyền chối bỏ đó là tác phẩm của mình.

Một số nước châu Âu cho rằng tác phẩm là hiện thân tính cách của tác giả, tác giả có thể cho/bán đi các quyền kinh tế với tác phẩm nhưng những gì thuộc về cá nhân tác giả thì không thể chuyển nhượng được. Vì vậy khi chuyển nhượng bản quyền, như luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam (2005) và một vài nước châu Âu qui định thì chỉ có quyền tài sản được chuyển nhượng, còn tác giả vẫn giữ quyền nhân thân.

Trên thực tế việc chuyển nhượng quyền nhân thân vẫn phải diễn ra. Như trường hợp của các công ty phần mềm – họ thuê rất nhiều lập trình viên về làm phần mềm và hợp đồng lao động thường có điều khoản các lập trình viên phải đồng ý nhượng tất cả các quyền với mã nguồn của họ cho công ty bao gồm cả việc công ty đứng tên tác giả, mã nguồn sau này sẽ được sửa chữa, dùng lại bởi người khác một cách tùy ý.

Có thể đây chính là lí do mà luật sở hữu trí tuệ của Mỹ, Úc cho đến nay không đưa quyền nhân thân vào luật sở hữu trí tuệ của mình.

Thỏa thuận về Giấy phép sử dụng cho Người dùng cuối EULA

Quyền của người sử dụng đối với tài sản trí tuệ là do người giữ bản quyền tài sản trí tuệ cấp. Với phần mềm các quyền này được ghi trong thông báo End User Licence Agreement (EULA) – hiện ra ngay khi người dùng bắt đầu cài đặt phần mềm. Người dùng thường không đọc EULA mà bấm luôn “I agree” – đồng ý với tất cả các điều khoản trong EULA để cài đặt. Mục này sẽ điểm lại một vài điều khoản thường thấy trong các EULA của các phần mềm shareware – loại phần mềm phổ biến nhất trong ngành công nghiệp phần mềm.

anh

Nhận thức được sự quan trọng của EULA là bước đầu tiên giúp bạn hiểu về phần mềm tự do, nguồn mở. Khái niệm “tự do” hay “mở” của phần mềm đều nằm ở EULA của nó. Tuy nhiên chúng tôi xin để nội dung “phần mềm tự do/nguồn mở” cùng với “tài liệu mở” sang hẳn một chương khác.

Trước hết cần giải thích thuật ngữ “End User Licence Agreement” (EULA), dịch ra là “Thỏa thuận về Giấy phép cho Người dùng cuối”. “End user” (người dùng cuối) hoặc “user” (người dùng) là người mua phần mềm về chỉ để dùng mà không làm trung gian bán lại cho người khác. Để có thể sử dụng phần mềm một cách hợp pháp, người dùng cần “licence” – giấy phép sử dụng phần mềm do người giữ bản quyền phần mềm cấp. Ở đây có sự trao đổi về quyền lợi giữa 2 bên: người giữ bản quyền cấp “licence” cho người dùng; còn người dùng thực hiện các yêu cầu của người giữ bản quyền phần mềm như là trả tiền mua CD key/activation code và sau đó không được cho người khác mã CD key/activation code này, … Văn bản ghi lại sự trao đổi quyền lợi giữa 2 bên được gọi là “agreement” (thỏa thuận) hay “contract” (hợp đồng). Vì mục đích chính của cái “agreement” này là về “licence” cho “end user” thế nên nó mới có tên “End User Licence Agreement”.

Dưới đây phân tích một EULA điển hình, đó là EULA của phần mềm WinRAR – phần mềm nén file phổ biến nhất hiện nay. EULA này gồm có các qui định sau:

  • Tuyên bố ai là người giữ bản quyền: “The author and holder of the copyright of the software is Alexander L. Roshal”.
  • Tác giả chối bỏ trách nhiệm về thiệt hại (nếu có) do phần mềm gây ra cho người sử dụng: “Neither the author, the licensor nor the agents of the licensor will be liable for data loss, damages, loss of profits or any other kind of loss while using or misusing this software.”
  • Qui định về quyền của người dùng với phiên bản dùng thử (trial version) của phần mềm:
    1. Được dùng thử miễn phí trong khoảng thời gian dùng thử; hết thời gian này, người dùng phải trả tiền mua “licence” để dùng tiếp: “anyone may use the software during a test period of a maximum of 40 days at no charge. Following this test period, the user must purchase a license to continue using the software”.
    2. Được sao chép phiên bản dùng thử cho người khác: “The software’s trial version may be freely distributed” miễn là khi phân phối lại phải giữ nguyên vẹn phần mềm và không kèm theo số serial cài đặt phần mềm “Hacks/cracks, keys or key generators may not be included”. Bởi người dùng có thể sao chép cho người khác – tức là chia sẻ với người khác thế nên mới có tên gọi “shareware” (phần mềm chia sẻ).
  • Qui định về quyền của người dùng với phần mềm khi mua licence:
    1. Được sử dụng nếu mua licence: “[user] is granted a non-exclusive right to use the software”. Tuy nhiên việc cài đặt và sử dụng phần mềm trên số lượng bao nhiêu máy phụ thuộc vào số lượng licence mà người dùng mua: “purchases one license to use the software on one computer”, “If for example you wish to have 9 different clients (workstations) in your network with access to RAR, you must purchase 9 license copies.”
    2. Được phép nhượng lại: Người dùng không thể cho thuê, cho mượn nhưng có thể nhượng lại vĩnh viễn phần mềm cùng licence cho người khác – tức là lúc đó người dùng sẽ mất quyền phần mềm: “The licensed software may not be rented or leased but may be permanently transferred, in its entirety”
    3. Không được phép sao chép: “You may not [… ]copy, clone”
    4. Không được phép dịch ngược, sửa đổi phần mềm: “You may not […] emulate, modify, decompile, disassemble, otherwise reverse engineer […] the licensed software”.
  • Ghi nhận sự cam kết của người dùng với các điều khoản của EULA. Việc người dùng cài đặt và sử dụng phần mềm được coi là người dùng đồng ý với tất cả các quyền và ràng buộc của người giữ bản quyền đặt ra: “Installing and using the software signifies acceptance of these terms and conditions of the license. If you do not agree with the terms of this license, you must remove all software files from your storage devices and cease to use the software.”

Các hiểu sai thường thấy về “bản quyền”

Thuật ngữ “bản quyền” tuy nghe rất quen thuộc trên đài báo nhưng nếu bạn không đọc về “sở hữu trí tuệ” sẽ dễ hiểu lơ mơ và dùng sai. Một trong những hiểu nhầm phổ biến là việc đánh đồng “bản quyền” với “phải mất tiền mua”.

Nói thừa/sai: “Tôi dùng windows bản quyền” (thừa), “vấn nạn sử dụng phần mềm không có bản quyền” (sai)

Các phần mềm nổi tiếng dù phải mất tiền mua như Windows, Office, Bitdefender Pro, … hay miễn phí như Ubuntu, OpenOffice, Bitdefender Free edition, Bkav bản basic … hiển nhiên đều là những phần mềm có bản quyền (copyrighted software). Phần mềm không có bản quyền được gọi là “sở hữu công” (public domain), có cực kì ít các phần mềm sở hữu công và chúng cũng không nổi tiếng. Việc phần mềm có bản quyền hay không có bản quyền không nằm ở chỗ phần mềm đó miễn phí hay phải mất tiền mua. Chú ý rằng gần như tất cả những phần mềm miễn phí đều là phần mềm có bản quyền.

Nói “anh kia dùng Windows không có bản quyền” là sai vì luôn luôn Windows là phần mềm có bản quyền, chứ không phải là phần mềm sở hữu công. Ngay cả khi bạn dùng Windows bất hợp pháp (bằng cách mua đĩa CD lậu 7000đ hoặc download bản Windows đã crack trên Internet) thì Windows vẫn luôn là phần mềm có bản quyền và Microsoft giữ bản quyền Windows. Theo luật bản quyền, để sử dụng hợp pháp Windows bạn phải mua quyền sử dụng Windows thể hiện qua việc mua “licence” (giấy phép) sử dụng Windows. Để nhấn mạnh rằng tôi dùng Windows theo đúng luật bản quyền thì hãy nói “tôi dùng Windows có license” (đúng) chứ đừng nói “tôi dùng Windows có bản quyền” (vừa thừa, vừa không thể hiện được ý người nói). Để chỉ việc dùng Windows trái phép bằng cách chạy crack/patch hay dùng số CD key/serial giả mạo thì đơn giản hãy nói “dùng Windows vi phạm bản quyền” hay “dùng Windows không có license”. (Trong tiếng Anh người ta gọi các phần mềm bị crack hay bị dùng CD key giả là “pirated software” (phần mềm ăn cướp); chúng tôi nghĩ không nên nói như thế này vì nặng nề quá, nói “phần mềm vi phạm bản quyền” là đủ rồi.)

Tương tự như vậy, không nên nói “vấn nạn sử dụng phần mềm không có bản quyền”. Phần mềm mà không có bản quyền thì, như trên đã nói, là phần mềm public domain, ai cũng có quyền tự do sử dụng, sửa đổi, kinh doanh, … do đó chẳng gây ra vấn đề pháp lí gì cả. Ý của người nói là “vấn nạn sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền”.

Nói không chính xác: “Đài truyền hình đã mua bản quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh”

Bản quyền là tập hợp tất cả các quyền (của tác giả) chứ không phải một quyền đơn lẻ. Ở đây quyền phát sóng chỉ là một quyền con cấu thành nên bản quyền, do đó nên nói “mua quyền phát sóng” thay vì “mua bản quyền phát sóng”.

Có người nói “Tôi đang dùng Windows có mua bản quyền”, ý người nói ở đây chỉ là mua “quyền sử dụng” thôi, chứ làm sao Microsoft lại đồng ý nhượng lại cả bản quyền Windows được.

Tổng kết lại, điều mà chúng tôi mong ước nhất là bạn đọc có thể bỏ được thói quen nói “tôi dùng Windows có bản quyền, còn anh kia dùng Windows không bản quyền”, thay vào đó hãy nói “tôi dùng Windows có license, còn anh kia dùng Windows không có license/vi phạm bản quyền”.

anh

6. Sáng chế

Mục này bàn về sáng chế (invention) – loại tài sản trí tuệ đóng vai trò then chốt trong nền công nghiệp ở những nước phát triển.

Sáng chế

Sáng chế (invention), như luật sở hữu trí tuệ Việt Nam định nghĩa, là một giải pháp kĩ thuật mới thể hiện bằng một sản phẩm mới hoặc một qui trình giải quyết vấn đề mới. Các sản phẩm nổi tiếng đánh dấu bước tiến của văn minh loài người như: đèn điện của Edison, máy in của Guntenberg, thuốc penicillin của Fleming, … đều là những sáng chế của thời bấy giờ. Ví dụ về các qui trình có thể trở thành sáng chế: công thức hóa học làm kem đánh răng, qui trình đóng nút chai, phương pháp cho gà ăn hiệu quả, cách sử dụng mới của vỏ lon bia, …

Một ví dụ cụ thể về sáng chế đương đại là màn mở khóa màn hình “Slide to unlock” của điện thoại Iphone (hãng Apple) – xem hình vẽ.

Không phải mọi sáng tạo trong khoa học đều là sáng chế. Các khám phá (discovery) kiểu như ba định luật Newton, thuyết tương đối Einstein đều là nguyên lí tổng quát, vốn có sẵn trong tự nhiên chỉ đợi con người tìm ra, không thể ứng dụng ngay vào sản xuất. Khám phá buộc phải là sở hữu công, không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như sáng chế. Nhiều khi rất khó phân định đâu là sáng chế, đâu là khám phá. Ví dụ: một thuật toán – nếu nó là thuật toán tìm kiếm dữ liệu thì dễ có xu hướng bị cho là sáng chế trong khi nếu nó là thuật toán về số nguyên tố thì dễ được cho là khám phá.

(Chú ý: một số tác giả Việt Nam coi “phát minh” = “khám phá” (discovery) và coi “phát minh sáng chế”. Theo chúng tôi cách quan niệm này rất không phù hợp với tiếng Anh bởi “phát minh” và “sáng chế” đều được dịch từ cùng một từ “invention”. Chúng tôi đề nghị coi “phát minh” = “sáng chế” = “invention”  “khám phá” = “discovery”.)

Bằng sáng chế và tổ chức cấp bằng sáng chế

Sáng chế là tinh hoa của một nền công nghiệp. Theo thống kê của US Patent & Trademark Office, năm 2004 thế giới có khoảng 7 triệu sáng chế trong đó gần 90% số này là do các công ty, nhà máy đầu tư nghiên cứu, số còn lại mới là do cá nhân riêng lẻ thực hiện.

ảnh

Để phát triển, các công ty phải liên tục đổi mới sản phẩm, cải tiến qui trình. Các công ty tiên phong sẽ tìm cách thuyết phục để những sản phẩm, qui trình mới của mình được công nhận là sáng chế. Lúc đó các công ty đến sau không thể “ăn sẵn” những sáng tạo này mà phải bỏ tiền mua quyền áp dụng sáng chế vào sản xuất từ công ty tiên phong. Để đảm bảo cạnh tranh công bằng, mỗi quốc gia sẽ thành lập (duy nhất) một Tổ chức Cấp bằng Sáng chế có nhiệm vụ phán xét liệu một sản phẩm, qui trình đưa ra có xứng đáng được coi là một sáng chế; nếu đủ điều kiện thì sẽ cấp bằng độc quyền sáng chế, thường gọi là bằng sáng chế (patent), cho cá nhân/tổ chức sáng tạo ra sản phẩm, qui trình. Có được bằng sáng chế đồng nghĩa với việc  công ty có khả năng thu lời kinh tế từ chính đối thủ của mình hoặc các công ty đến sau. Muốn có bằng sáng chế thì công ty phải đệ trình hồ sơ đến Cục sáng chế để giải thích về qui trình, sản phẩm của mình, trong đó quan trọng nhất và khó khăn nhất là chứng minh được sản phẩm/qui trình của mình có:

  • Tính mới mẻ: tức là khác biệt so với các sản phẩm, qui trình cùng loại.
  • Tính không tầm thường: tức là những người cùng chuyên môn ở mức trung bình không tạo ra được sản phẩm, qui trình này một cách dễ dàng.

Khi sáng chế được công nhận, Cục sáng chế sẽ đưa sáng chế vào cơ sở dữ liệu sáng chế của mình. Khi có một sản phẩm, qui trinh được được đệ trình cấp bằng sáng chế thì Cục sáng chế sẽ so sánh sản phẩm, qui trình này với các sáng chế đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu để xem nó có mới hơn không, có phát triển hơn không.

Tổ chức cấp bằng sáng chế ở Việt Nam là Cục Sở hữu Trí tuệ, ở Mỹ là U.S. Patent and Trademark Office (USPTO). Việc xét duyệt và cấp bằng sáng chế vẫn chỉ mang tính địa phương, mỗi quốc gia tự thực hiện trong phạm vi của mình. Điều này có thể dẫn đến việc một sáng chế ở nước này được lặp lại ở nước khác. Ví dụ: ông Lâm Tấn Lợi, giám đốc công ty Võng xếp Duy Lợi, người đã sáng chế và đăng kí bảo hộ sáng chế “khung võng sắt” với Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Khi ông xuất khẩu võng xếp sang Nhật Bản thì bị dọa kiện vì vi phạm sáng chế tương tự của nhóm nghiên cứu Miki. Khi ông mang võng sang Mỹ thì container bị đình lại vì một người Đài Loan là Chung Sen Wu cũng có sáng chế tương tự. Tuy nhiên sáng chế của ông Lợi được đăng kí trước so với của Miki và Chung Sen Wu, bằng sự kiên trì theo đuổi công lý ông đã thắng kiện trên cả hai đất nước có luật sở hữu trí tuệ nghiêm nhất thế giới. Kết quả là bằng sáng chế của Miki và Chung Sen Wu đều bị rút lại, hàng của ông Lợi được thông thương vào Nhật và Mỹ.[1]

Hiện nay chưa có tổ chức cấp bằng sáng chế quốc tế để ngăn ngừa việc trùng lặp như trên, nhưng đã có tổ chức cấp bằng sáng chế cấp khu vực như European Patent Office (EPO) của châu Âu và African Regional Intellectual Property Organization (ARIPO) của châu Phi. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) của Liên hiệp quốc cũng đã đưa ra Hiệp ước Hợp tác Bằng sáng chế (PCT) và công cụ tìm kiếm bằng sáng chế trên đồng thời nhiều cơ sở dữ liệu bằng sáng chế – đây cũng là một cách để giúp người ta phát hiện trùng lặp.

Quyền sở hữu công nghiệp

Sáng chế là một tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế còn được gọi là quyền sở hữu công nghiệp. Bằng sáng chế chính là văn bản công nhận quyền sở hữu công nghiệp này. Với bằng sáng chế, cá nhân/tổ chức sáng tạo ra sẽ được pháp luật cho quyền loại trừ (ngăn cấm) tất cả cá nhân/tổ chức khác khỏi việc sử dụng, chuyển giao sáng chế của mình. Đây là cơ sở để công ty giữ bằng sáng chế sẽ thu lời kinh tế bằng cách:

  • Bán giấy phép sử dụng sáng chế, hoặc nhượng cả bằng sáng chế cho các cá nhân/tổ chức có nhu cầu khai thác sử dụng. Ví dụ điển hình là IBM – tập đoàn liên tục đăng ký bằng sáng chế: năm 2000 chỉ có 19 000, năm 2005 có hơn 40 000, năm 2012 có hơn 70 000 bằng sáng chế (nhiều nhất thế giới). Mỗi năm IBM thu về khoảng 1 tỉ USD qua việc bán quyền sử dụng bằng sáng chế và các tài sản trí tuệ khác. Gần đây Facebook đang bỏ ra 850 triệu USD để mua bằng sáng chế của IBM.
  • Kiện (hoặc dọa sẽ kiện) các cá nhân/tổ chức sử dụng trái phép sáng chế để đòi tiền bồi thường. Ví dụ 1: Năm 2011, Apple kiện Samsung sử dụng trái phép một số bằng sáng chế liên quan đến Iphone, Ipad của mình và thắng kiện thu về 1 tỉ USD tiền bồi thường từ Samsung. Đáp trả, sang năm 2012, Samsung cũng kiện Apple vi phạm sáng chế liên quan đến công nghệ không dây 3G của mình và thắng kiện với việc Apple phải ngừng bán Iphone 4, Iphone 3, Ipad 2 ở Mỹ (do đó thị phần sẽ đổ dồn về Samsung). Hiện giờ Apple đang kháng cáo. Ví dụ 2: Thoát nạn khỏi vụ kiện của Oracle năm 2011, Google lo sợ lại gặp rắc rối tiếp nên đã mua cả chục nghìn bằng sáng chế của IBM để bảo vệ hệ điều hành Android của mình. Tương tự như vậy, Microsoft thậm chí đã mua lại luôn cả tập đoàn Motorola để tránh kiện tụng với các sáng chế của Motorola.
  • Kinh doanh bằng sáng chế. Ở Mỹ, có một số công ty chuyên mua đi bán lại các bằng sáng chế để kinh doanh bán giấy phép sử dụng sáng chế hoặc chỉ để đi kiện vi phạm bằng sáng chế để lấy tiền bồi thường – việc làm này được gọi là “patent troll”. Theo thống kê của Boston University, trong năm 2011, patent troll đã gây thiệt hại cho các công ty đến 29 tỉ USD. Ví dụ điển hình là năm 2012 khi Kodak nộp đơn phá sản, hai công ty chuyên patent troll là Intellectual Ventures và RPX đã dàn xếp để môi giới cho 12 tập đoàn lớn gồm Apple, Google, Facebook, Samsung, RIM, Adobe, HTC, Fujifilm, Huawei, Amazon, Shutterfly, và Microsoft bỏ 525 triệu USD mua bằng sáng chế của Kodak.

Cũng chú ý rằng pháp luật không hề cho phép người chủ sở hữu bằng sáng chế quyền tự do sử dụng sản phẩm, qui trình của mình bởi sáng chế có thể chỉ là một cải tiến dựa trên một sản phẩm, qui trình có sẵn từ trước đó. Lúc này việc sử dụng lại đòi hỏi sự đồng ý từ phía chủ sở hữu của sản phẩm, qui trình gốc.

Luật sở hữu trí tuệ chỉ bảo hộ sáng chế khi người chủ sở hữu đóng phí duy trì bảo hộ và việc bảo hộ này chỉ diễn ra trong một thời gian hữu hạn. Như ở Việt Nam và một số nước châu Âu tham gia công ước Berne, thời gian bảo hộ là 20 năm kể từ ngày người chủ sở hữu sáng chế nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Hết thời gian bảo hộ sáng chế trở thành sở hữu công (public domain) ai cũng có mọi quyền sử dụng, khai thác.

7. Thương hiệu

Theo luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam (2005):

ảnh

  • Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
  • Tên thương mại hoặc thương hiệutên tổ chức, tên cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh.

Theo quan niệm này thì một nhà sản xuất, được đặc trưng bởi thương hiệu (tên thương mại), như Microsoft, có thể có nhiều nhãn hiệu sản phẩm như Office, Windows, Xbox, Exchange Server.

Ở một số nước, người ta coi “trademark” (thương hiệu) = “brand name” (nhãn hiệu) và cùng chỉ tên gọi, đặc điểm nhận dạng của cả sản phẩm, dịch vụ lẫn tên công ty cụ thể nào đó. Để đơn giản, tài liệu này cũng đánh đồng như vậy.

Thương hiệu là một tài sản trí tuệ nên người chủ sở hữu của thương hiệu có mọi quyền (quyền sử dụng, quyền chuyển nhượng) với thương hiệu trong khi cá nhân/tổ chức khác không có quyền gì (hoặc phải hỏi xin chủ sở hữu). Một số quốc gia yêu cầu quyền sở hữu thương hiệu chỉ được thừa nhận khi chủ sở hữu đăng kí thương hiệu với Cơ quan bảo hộ Thương hiệu của quốc gia đó – như ở Việt Nam là Cục Sở hữu Trí tuệ, ở Mỹ là U.S. Patent and Trademark Office (USPTO). Khi cá nhân hay tổ chức đăng kí thương hiệu của mình với Cơ quan Bảo hộ Thương hiệu (phải trả phí duy trì thương hiệu) thì luật sở hữu trí tuệ sẽ cấm cá nhân/tổ chức khác dùng lại thương hiệu đó hoặc dùng những thương hiệu gần giống với thương hiệu đã đăng kí đến mức dễ gây nhầm lẫn.

Ví dụ 1: Hãng phim Lucasfilm (Mỹ) có làm series phim ăn khác “Star wars” (chiến tranh giữa các vì sao) và đã đăng kí thương hiệu Star wars. Tập đoàn đồ chơi Lego (Đan Mạch) muốn dùng thương hiệu “Star wars” trong bao bì đồ chơi của mình (để câu khách) nên đã phải mua giấy phép sử dụng thương hiệu của Lucasfilm.

ảnh

Ví dụ 2: Một trong những vụ tranh chấp thương hiệu đình đám thế giới là vụ “Apple” giữa hãng âm nhạc Apple Corps (Anh) do ban nhạc lừng danh Beatles sáng lập và hãng máy tính Apple Inc (Mỹ) (hãng làm ra Ipad, Iphone). Apple Corps sử dụng “Apple” và hình ảnh quả táo từ trước còn Apple Inc đến sau. Apple Corps đã 4 lần kiện và đòi bồi thường Apple Inc trong suốt 9 năm trời kể từ 1987. Cuối cùng, năm 2007, hai bên đi đến thỏa thuận Apple Inc bỏ 500 triệu USD cho Apple Corps để trở thành chủ sở hữu của tất cả các thương hiệu có liên quan đến “apple” nhưng vẫn phải cấp giấy phép sử dụng thương hiệu “apple” cho Apple Corps.[1]

Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ thương hiệu trong 10 năm kể từ ngày đăng kí và có thể gia hạn thêm mỗi khi hết hạn thế nên một thương hiệu có thể được duy trì vĩnh viễn (trong khi các tài sản trí tuệ khác chỉ được bảo hộ trong thời gian hữu hạn).

Một số nước như Việt Nam, Mỹ, Canada coi thương hiệu cũng như tác phẩm văn học, nghệ thuật, ngay khi nó ra đời thì tự động quyền sở hữu thương hiệu thuộc về cá nhân/tổ chức sáng tọa ra mà không cần bất cứ thủ tục đăng kí nào. Nếu không đăng kí, khi xảy ra tranh chấp thương hiệu, luật sẽ xử ai chứng minh được mình dùng thương hiệu trước thì sẽ thắng. Ở Mỹ, người chủ sở hữu của một thương hiệu thường nhắc nhở người khác không dùng thương hiệu của mình bằng cách thêm kí hiệu:ảnh

  • ® vào sau tên thương hiệu đã được đăng kí (chữ R viết tắt của registered – đã đăng kí)
  • TM hoặc SM vào sau tên thương hiệu của hàng hóa (TM – trademark) hoặc dịch vụ (SM – service mark) đã được dùng trong thực tế nhưng chưa đăng kí.

ảnh

Ví dụ 3: Microsoft, Windows, Bluetooth, amazon.com, FPT ở hình bên là những thương hiệu đã được đăng kí (nên có (R)). Biểu tượng khung cửa sổ đã được Microsoft dùng nhưng chưa được đăng kí (kí hiệu TM).

Ví dụ 4: Netflix là dịch vụ video streaming và cho thuê đĩa phim DVD, dù logo Netflix không chú thích trạng thái đăng kí thì thương hiệu Netflix vẫn được bảo hộ. Thương hiệu chỉ được bảo hộ trong phạm vi quốc gia của cá nhân/tổ chức chủ sở hữu. Khi ra nước ngoài, nếu không “nhanh chân” đăng kí, thương hiệu có thể bị cá nhân/tổ chức khác lấy mất.

ảnh

Ví dụ 5: Microsoft có dịch vụ lưu trữ đám mây dữ liệu gọi là SkyDrive. BskyB, nhà cung cấp chương trình TV có trả tiền hàng đầu của Anh và châu Âu, có dịch vụ TV tên là Sky. Năm 2011, BskyB kiện Microsoft về việc vi phạm quyền sở hữu thương hiệu của mình tại Anh và châu Âu vì có sử dụng từ “sky” trong “skydrive”. Dù logo của 2 thương hiệu rất khác nhau, các thí nghiệm của tòa án Anh cho thấy từ “sky” dễ gây nhầm lẫn cho những người có trình độ máy tính thông thường nên tòa xử BskyB thắng kiện, do đó tại Anh và châu Âu, Microsoft hoặc phải trả tiền mua quyền sử dụng “sky” của BskyB hoặc phải đổi tên dịch vụ của mình.

ảnh

Ví dụ 6: Năm 2013, khi hiệp hội Cà phêp Buôn Ma Thuột đăng kí thương hiệu “Buôn Ma Thuột” ở một số nước thì bị từ chối tại Trung Quốc, Mỹ, Canada. Lí do là đã có công ty ở những nước này đăng kí thương hiệu từ trước đó rồi. Cụ thể: ở Mỹ, công ty Rice Field Corporation đã đăng kí “Café Buon Ma Thuot” năm 2003; ở Canada, tập đoàn Starbucks đã đăng kí “Buonmathuot” năm 1998; ở Trung Quốc, công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee ở Quảng Đông đã đăng kí “Buon Ma Thuot Coffee” năm 2011. Việc bị mất thương hiệu kiểu này sẽ khiến khách hàng thế giới hiểu sai về nguồn gốc cà phê Buôn Ma Thuột, và các công ty cà phê ở Buôn Ma Thuột còn có nguy cơ bị các công ty đăng kí thương hiệu trước đó kiện ngược lại vì làm hàng nhái. Trước vụ Buôn Ma Thuột, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi ra nước ngoài còn bị rơi vào tình trạng tệ hơn: vừa bị làm hàng nhái, vừa bị cướp thương hiệu. Điển hình là Kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc, Thuốc lá Vinataba tại Campuchia, Nước mắm Phú Quốc tại Mỹ, …

Việc đăng kí thương hiệu cho một sản phẩm chỉ đảm bảo thương hiệu đó không bị dùng lại chứ không đảm bảo cá nhân/tổ chức khác sản xuất sản phẩm tương tự nhưng với thương hiệu khác đi.

Ví dụ 7: hãng AT&T có làm ra hệ điều hành UNIX và đã đăng kí thương hiệu Unix. Nhiều cá nhân, tổ chức sau này làm ra hệ điều hành tương thích với UNIX nhưng không thể dùng tên UNIX được nữa, mà phải gọi trệch đi là “UNIX-like” hoặc “*nix” để phân biệt với UNIX của AT&T.

8. Công ước Berne, hiệp định TRIPS, tổ chức WIPO

Tài sản trí tuệ như tiểu thuyết, phần mềm, sáng chế, thương hiệu có thể có tầm ảnh hưởng quốc tế  trong khi luật sở hữu trí tuệ của một quốc gia chỉ có phạm vi ở quốc gia đó. Do đó quyền sở hữu trí tuệ có khi chỉ được bảo hộ ở mỗi đất nước của chủ sở hữu tài sản trí tuệ, mà lại không được bảo hộ ở nước ngoài. Ví dụ trước năm 2000, Việt Nam chưa có luật sở hữu trí tuệ, các nhà xuất bản Việt Nam thường dịch hoặc in lại sách của nước ngoài một cách “vô tư”, không cần biết đến nhà xuất bản nước ngoài. Luật bản quyền của nước ngoài, dĩ nhiên chỉ có hiệu lực ở phạm vi nước ngoài, không thể “với” tới được Việt Nam trong khi luật pháp Việt Nam không coi việc dịch sách, in sách nước ngoài mà không hỏi xin là vi phạm pháp luật thế nên các nhà xuất bản nước ngoài không có cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc in sách lậu ở Việt Nam.

Nhu cầu về đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ ở các nước ngoài khiến nhiều nước đã cùng bắt tay nhau xây dựng nên những tiêu chuẩn chung về luật sở hữu trí tuệ như Công ước Berne (1886), Công ước Bản quyền Quốc tế (1952), Công ước Rome (1961), Hiệp định Bản quyền WIPO (2002), Hiệp định TRIPS (1994), Hiệp định Thương mại Chống hàng giả (2007). Khi một quốc gia được coi là gia nhập một công ước luật về lĩnh vực gì đó thì điều này không chỉ nghĩa là chính phủ “hứa suông” là sẽ cam kết thực hiện các điều khoản của công ước mà phải thể hiện qua việc tự sửa đổi luật pháp của mình cho phù hợp với công ước.

Các công ước, hiệp định này thường sẽ vấp phải mâu thuẫn về lợi ích giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Một mặt, các nước phát triển, thường là có khả năng sáng tạo và sở hữu nhiều tài sản trí tuệ thế nên mong tài sản trí tuệ của mình phải được bảo hộ nghiêm ngặt ở các nước đang phát triển để thu nhiều lợi nhuận nhất có thể. Mặt khác, các nước đang phát triển, vốn sáng tạo được it và vì muốn “ăn sẵn” thành tựu để phát triển nhanh nên chỉ muốn bảo hộ tài sản trí tuệ của nước mình trong khi giảm thiểu các điều kiện bảo hộ tài sản trí tuệ của nước ngoài để dễ dàng tiếp cận văn minh nước ngoài.

Công ước Berne

Năm 1886, tại Berne (Thụy Sĩ) mười nước châu Âu cùng kí kết vào Công ước Berne về việc Bảo hộ các Tác phẩm Văn học và Nghệ thuật (Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works), gọi tắt là Công ước Berne. Các nước tham gia cam kết sẽ bảo hộ bản quyền của các tác phẩm văn học, nghệ thuật ở nước ngoài theo cách bảo hộ bản quyền ở trong nước. Như vậy không có sự phân biệt về bảo hộ bản quyền của một tác phẩm ở đất nước tác giả hay ở nước ngoài. Yêu cầu này chính là nguyên lí đầu tiên của công ước Berne – nguyên lí “National treament” (đối xử quốc gia). Ngoài ra còn có 2 nguyên lí cơ bản khác. Nguyên lí thứ hai là về “bảo hộ độc lập” (independence of protection): ví dụ một tác phẩm được sáng tác ở Bolivia, nếu nước Bolivia không tham gia công ước Berne hay thậm chí không có luật bản quyền, thì các nước tham gia công ước Berne không được vi phạm bản quyền (như dịch, in lại) với tác phẩm của Bolivia cho dù việc này ngay tại Bolivia không bị cấm. Nguyên lí thứ ba là về “bảo hộ tự động”: để bản quyền của tác phẩm thuộc về tác giả thì tác giả không cần phải làm bất cứ thủ tục đăng kí gì với tổ chức nào, việc này là tự động.

Công ước Berne cũng đặt ra các yêu cầu tối thiểu mà luật pháp các nước thành viên phải thỏa mãn. Chả hạn những quyền nào thì tác giả được giữ, thời gian bảo hộ bản quyền tối thiểu là 50 năm sau khi tác giả chết. Công ước Berne đã được sửa đổi qua nhiều phiên bản, lần sửa đổi gần đây nhất là 1971, các nước tham gia đã thêm vào một phụ lục cho các nước đang phát triển những ưu đãi ngoại lệ về quyền dịch và xuất bản.

Một thiếu sót quan trọng của Công ước Berne là nó chỉ là cam kết giữa các nước, không có cơ chế bắt các nước phải thực thi nghiêm ngặt các điều khoản. Điều này khiến cho một nước thành viên không có quyền trừng phạt một nước thành viên khác khi thấy tác phẩm của mình bị vi phạm bản quyền ở nước khác này. Điều này được khắc phục trong hiệp định TRIPS sau này.

Ngày nay có khoảng 160 nước tham gia công ước Berne. Việt Nam gửi đơn gia nhập Công ước Berne vào năm 2004. Ngay sau khi gia nhập Công ước Berne, một sự kiện xảy ra nhắc nhở ý thức trách nhiệm của người Việt với công ước: nhà xuất bản Văn hóa Thông Tin (VHTT) đã tự in khoảng 5000 bản cuốn Let’s go của nhà xuất bản Oxford University Press (OUP) mà không hỏi xin quyền in. Biết chuyện, OUP đã gửi thư yêu cầu VHTT ngừng và thu hồi sách, nhưng VHTT không chịu thu hồi; cuối cùng OUP dọa kiện VHTT với mức bồi thường 100 000 USD.

Hiệp định TRIPS

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, để thúc đẩy giao thương quốc tế, các nước nỗ lực xây dựng qui tắc và luật lệ cho thương mại giữa các nước. Sau 7 vòng đàm phán diễn ra trong nhiều năm trời, tại vòng đàm phán cuối cùng tại Urugoay, các nước đã thống nhất đi đến sự thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (World Trade Organization); cũng trong vòng đàm phán này các nước đã kí kết Hiệp định về các Khía cạnh Thương mại của Sở hữu Trí tuệ TRIPS (Trade Related Aspects of Intellectual Property Rights). TRIPS được điều hành bởi WTO, để gia nhập WTO các nước buộc phải thực hiện các điều khoản của TRIPS.

Hiệp định TRIPS về cơ bản chứa tất cả các điều khoản của Công ước Berne cộng thêm với những phát triển sau:

  • Điểm mấu chốt của TRIPS là nó đưa ra cơ chế thực thi luật – điều mà Berne không có. TRIPS yêu cầu các nước tham gia phải có biện pháp hiệu quả chống vi phạm sở hữu trí tuệ. TRIPS có cơ chế giải quyết tranh cãi giữa các nước về sở hữu trí tuệ, thế nên các nước thành viên của WTO có thể bắt các nước thành viên khác phải thực hiện nghiêm ngặt nghĩa vụ với TRIPS hoặc nếu không có cách để trừng phạt. Điều này không có ở Công ước Berne. TRIPS cũng là hiệp định đầu tiên đan cài vấn đề luật sở hữu trí tuệ với thương mại.
  • Trong khi Berne rất hạn hẹp chỉ qui định về tác phẩm văn học, nghệ thuật; TRIPS mở rộng ra, bao quát tất cả các loại tài sản trí tuệ, đặc biệt nhấn mạnh vào quyền sở hữu công nghiệp, nhất là bằng sáng chế. Thời điểm của Công ước Berne chưa có phần mềm, đến TRIPS đã qui định cụ thể về lĩnh vực này. Berne có qui định về quyền nhân thân (xem mục 4), TRIPS chịu ảnh hưởng của Mỹ nên không có khái niệm này.
  • TRIPS có sự ưu đãi đối với những nước đang phát triển, nhất là với các tài sản trí tuệ trong công nghiệp. Nhưng TRIPS cũng đặt ra những tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu mà các nước đang phát triển phải thực thi để một mặt vừa đảm bảo sự phát triển chung của thương mại quốc tế, mặt khác vẫn khuyến khích được các nước đang phát triển tiếp cận công nghệ mới.

Việt Nam nộp đơn gia nhập WTO từ năm 1995 nhưng lúc đó hệ thống luật pháp Việt Nam chưa có luật sở hữu trí tuệ đúng nghĩa. Yêu cầu cam kết thực hiện hiệp định TRIPS để đủ điều kiện gia nhập WTO chính là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy Việt Nam xây dựng bộ luật sở hữu trí tuệ của mình vào năm 2005.

Tổ chức WIPO

Ban điều hành của Công ước Berne sau nhiều năm phát triển cuối cùng trở thành Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO (World Intellectual Property Organization) của Liên hiệp quốc. WIPO có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển luật sở hữu trí tuệ quốc tế và dùng luật sở hữu trí tuệ như một công cụ để thúc đẩy sự sáng tạo trong kinh tế, văn hóa, xã hội của tất cả các nước.

WIPO có 186 thành viên, trong đó có Việt Nam.

Câu hỏi ôn tập

  1. Nêu một điểm khác biệt giữa tài sản trí tuệ với tài sản vật chất.
  2. Theo WIPO phân loại tài sản trí tuệ thành 2 loại, đó là những loại gì.
  3. Bản quyền là gì. Quyền tác giả là gì. Bản quyền và quyền tác giả khác nhau ở chỗ nào.
  4. Public domain là gì. Ví dụ một tác phẩm văn học, nghệ thuật là public domain
  5. Những trường hợp nào thì sở hữu trí tuệ trở thành sở hữu công.
  6. Các công ty khi sản xuất đèn điện theo sáng chế của Edison, có phải trả tiền mua giấy phép sử dụng với con cháu Edison không. (Sáng chế đèn điện của Edison đã được đăng kí cấp bằng sáng chế).
  7. Bản quyền và bằng sáng chế có được bảo hộ vĩnh viễn không.
  8. Trong luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam, quyền tài sản, quyền nhân thân đối với một tác phẩm văn học, nghệ thuật được hiểu là gì
  9. Cụm từ “All right reserved” trong các chú thích về bản quyền có nghĩa là gì.
  10. Khi viết “Windows™. Copyright © by Microsoft ®” thì kí hiệu (C) (R) TM và chữ “copyright by …” nghĩa là gì?
  11. Khi cài đặt phần mềm thường người ta thấy EULA, vậy EULA là gì.
  12. Quyền biểu diễn là gì.
  13. Fair use là gì. Tại sao lại cần fair use.
  14. Khi tôi muốn trích dẫn sách của người khác thì liệu tôi có phải hỏi xin tác giả quyền trích dẫn này hay không.
  15. Tổ chức cấp bằng sáng chế của Việt Nam là gì.
  16. Nếu một tác phẩm được tạo ra ở đất nước X và đất nước X có luật sở hữu trí tuệ, và ở một đất nước Y khác không có luật sở hữu trí tuệ, liệu bản quyền của tác phẩm có được bảo vệ ở dất nước Y hay không.
  17. Loại tài sản trí tuệ nào về lí thuyết có thể được bảo hộ quyền sở trí tuệ hữu vĩnh viễn.
  18. Hiệp định TRIPS có quan hệ như thế nào với WTO.
  19. Động lực nào khiến Công ước Berne ra đời.
  20. Việt Nam có gia nhập công ước Berne không, gia nhập hiệp định TRIPS không.
  21. Kể tên hai đất nước sở hữu số bằng sáng chế nhiều nhất thế giới.

Tài liệu tham khảo

Sách về Intellectual Property:

[1] Intellectual Property – a reference handbook, Aaron Schwabach, ABC-CLIO, 2007.

[2] Introducing Copyright – A plain language guide to copyright in the 21st century, Julien Hofman, The Commonwealth of Learning, 2009.

[3] Patent, Copyright & Trademark, Stephen Elias, Richard Stim, Nolo, 7th edition, 2004.

[4] The Copyright Handbook, How to Protect & Use Written Works, Stephen Fishman, Nolo, 7th edition, 2003.

[5] The Public Domain – How to Find & Use Copyright-Free Writings, Music, Art & More, Stephen Fishman, Nolo, 5th edition, 2010.

[6] Patent It Yourself, David Pressman, Nolo, 15th edition, 2011.

[7] Intellectual Property: Valuation, Exploitation, And Infringement Damages, Gordon V. Smith, Russell L. Parr, John Wiley & Sons, 2005.

[8] Intellectual Property: Valuation, Exploitation and Infringement Damages – 2013 Cumulative Supplement, Russell L. Parr, John Wiley & Sons, 2013.

[9] Intellectual Property Rights in a Networked World: Theory and Practice, Richard A. Spinello, Herman T. Tavani, INFOSCI, 2005.

[10] Intellectual Property and Open Source, Van Lindberg, O’Reilly, 2008.

Hướng dấn của WIPO về Intellectual Property:

[11] WIPO Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use

[12] Understanding Copyright and Related Rights

[13] Understanding Industrial Property

Văn bản Luật:

[14] Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works, 1979

[15] Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005

Wikipedia về các chủ đề liên quan đến Intellectual Property

Một số bài báo mạng về các vụ kiện về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và Mỹ

[1] http://bio.gsi.de/DOCS/AIX/aixpdslib.seas.ucla.edu/categories.html

[1] http://vietbao.vn/Van-hoa/NXB-Tre-se-kien-nhung-nguoi-dich-Harry-Potter-7-tren-mang/65099457/181/

[2] http://www.bornrich.com/j-k-rowling.html

[1] http://vtc.vn/13-278726/giai-tri/uyen-linh-vi-pham-ban-quyen-bai-duong-cong.htm

[2] http://vnmedia.vn/NewsDetail.asp?NewsId=310662&CatId=58

[1] “Lâm Tấn Lợi – Võng xếp Duy Lợi”, http://www.tuhaoviet.vn/

[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Apple_Corps_v_Apple_Computer

Có thể bạn sẽ thích…

Trả lời

EnglishVietnamese