Mạng xã hội và cách khai thác mạng xã hội

Giới thiệu

Sự phổ biến của các trang web như YouTube.com, Wikipedia.org, Blogspot.com, v.v, và nhất là sự bùng nổ toàn cầu của mạng xã hội như FaceBook.com, Twitter.com, LinkedIn.com, v.v, mà tất cả được gọi  chung là social media (truyền thông xã hội), đã và đang thay đổi cách con người tương tác, kết nối với nhau cũng như cách các công ty, tổ chức chính trị truyền thông với đại chúng.
anh

1. Social media là gì

1.1 Liệt kê các kiểu social media (truyền thông xã hội)

Khi các trang mạng xã hội (social networking sites) LinkedIn (2003), FaceBook (2004), Myspace (2005) ra đời và sau đó bùng nổ toàn cầu thì cũng là lúc thế giới rộ lên thuật ngữ “social media” (truyền thông xã hội) để chỉ không những các trang mạng xã hội này mà còn cả những trang chia sẻ thông tin khác như blog (WordPress, Blogger), Wikipedia, YouTube, Flickr, Del.icio.us, Digg, Slideshare, v.v.
social media

Các social media nổi tiếng 2013 (nguồn Fred Cavazza.net)

social media

Một số social media thịnh hành ở Việt Nam (nguồn trochoiviet.com)

Có nhiều quan niệm về social media (sẽ được nói đến ở các mục tiếp theo), ở đây bạn đọc có thể tạm hiểu gần đúng là: social media là các trang web, phần mềm (trên máy tính hay điện thoại di động) cho phép người dùng tạo ra các nội dung (hồ sơ cá nhân, bài viết, video clip, ảnh chụp, đường link, …) của mình và chia sẻ các nội dung này với những người dùng Internet khác. Hình 1 (của Fred Cavazza) và hình 2 (của trochoiviet.com) liệt kê các trang web, phần mềm social media nổi tiếng trên thế giới và ở Việt Nam năm 2013, trong đó đáng chú ý:

Các trang web kiểu social network sites

Các trang này thường có tính chất tương tự như các trang mạng xã hội như nêu ngay ở dưới đây – chức năng của chúng nhấn mạnh vào sự thể hiện cái tôi của người dùng và sự tương tác, kết nối giữa các người dùng.

    • Social network sites: trang mạng xã hội. Theo Boyd [4], trang mạng xã hội cho người dùng (1) tạo ra trang web cá nhân (profile) và có thể liên tục cập nhật, (2) thiết lập danh sách những người dùng khác (3) tương tác với các trang web cá nhân của những người trong danh sách bằng cách (a) xem và gửi phản hồi tới những cập nhật của họ, (b) nhắn tin, chia sẻ ảnh, video, tag. Các mạng xã hội nổi tiếng là: com, Pinterest.com, LinkedIn.com, Myspcae.com, plus.google.com (gọi là google+).

social media

  • Blog: trang nhật kí mạng. Người viết tự viết bài (entry) về cuộc sống và đưa lên mạng cho người khác đọc và bình luận. Các trang cho phép bạn tạo blog nổi tiếng là: com, Blogger.com, Tumblr.com, Livejournal.com, TypePad.com, Overblog.com.
  • Microblog: blog ở dạng cực ngắn nhưng nhờ vậy người ta sẽ viết nhanh, nhiều và cập nhật. Ví dụ như com, mỗi microblog chỉ có 140 kí tự, và được gọi là tweet. (Bởi mỗi tweet chỉ có 140 kí tự nên không đủ chứa các đường link dài, người ta phải dùng các trang web như bitly.com, tinyurl.com, goo.gle để thu gọn link lại)
  • Social broadcasting: lập đài phát thanh/truyền hình cá nhân. Người dùng thu thanh, thu hình mình lại và phát lên internet cho người khác xem và bình luận như thể đài phát thanh, truyền hình quảng báo thông tin. Ví dụ: com, livestream.com, Justin.tv

Các trang web kiểu online content communities

Những người chung một mối quan tâm thường tập trung lại tại những trang này. Người dùng sẽ cộng tác với nhau trên mạng (online) để xây dựng nên nội dung của trang vì thế gọi là online content community – cộng đồng nội dung trực tuyến. Trọng tâm của các trang này là nội dung của cộng đồng (chứ không phải việc thể hiện cá nhân của người dùng như các trang kiểu mạng xã hội).
Wikipedia
youtube

  • org: từ điển bách khoa toàn thư mở – người dùng tự đưa các mục từ lên, tự thảo luận, biên tập.
  • Photo/video sharing: chia sẻ ảnh/video. Người dùng sẽ đưa (upload) ảnh, video lên trên mạng để mọi người vào xem, bình luận. Ví dụ: com, Flickr.com, Metacafe.com, Dailymotion.com.
  • Document sharing: chia sẻ văn bản. Người dùng sẽ đưa (upload) văn bản lên trên mạng để mọi người đọc, bình luận. Ví dụ: com, Slideshare.com, Docstoc.com, Issuu.com.
  • Social news sites (còn gọi là Crowdsourced content): trang xã hội tin tức. Tin tức, bài viết là do người dùng tự đưa lên, rồi chính người dùng tự đọc, đánh giá, xếp hạng để xây dựng nội dung cho cả cộng đồng. Ví dụ: com, Reddit.com, Propeller.com.
  • Social bookmarking sites: trang ghi lại link các trang web hay. Người dùng tự đưa lên các link thú vị lên các trang này, người khác xem và bình chọn. Ví dụ: icio.us, Diigo.com, Newsvine.com, Slashdot.com.
  • Q&A sites: trang hỏi đáp. Người dùng Internet đưa câu hỏi, thắc mắc của mình lên, những người khác quan tâm sẽ đưa câu trả lời, bàn luận lên. Ví dụ: stackoverflow.com, answers.yahoo.com.
  • Internet forum: diễn đàn. Các trang kiểu này ra đời rất lâu còn trước cả blog, Wikipedia nhưng ngày nay vẫn rất phổ biến và cũng được coi là social media. Người dùng diễn đàn sẽ lập ra các chủ đề để thảo luận, và người dùng cũng có thể tương tác với nhau.

social media

Social media software

Không chỉ có các trang web như trên mà social media còn bao gồm cả phần mềm mạng Internet cho phép người dùng tương tác với nhau:
thế giới ảo secondlift.com

  • Collaborative software: phần mềm cộng tác như Microsoft Sharepoint, IBM Lotus Quickr, Jive, Chatter cho phép nhiều người dùng, thường là nhân viên của một công ty, làm việc cùng nhau trong môi trường mạng. (Các phần mềm này thường chỉ các công ty mới dùng, một ví dụ đơn giản hơn mà ai cũng có thể thử nghiệm là Google docs – phần mềm trên nền web cho phép người dùng cộng tác soạn thảo văn bản.)
  • Online virtual world: thế giới ảo trực tuyến. Người dùng đóng vai một nhân vật ảo nào đó và tương tác với các nhân vật ảo do những người khác điều khiển trong một thế giới ảo. Ví dụ: xã hội ảo com, game trực tuyến nhập vai World of Warcraft.

Mobile social media

Ngoài máy tính (desktop hay laptop), các thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng) cũng có thể kết nối Internet, vì thế mà có mobile social media, bao gồm:

  • Instagram, Path: chia sẻ ảnh chụp từ thiết bị di động. Phần mềm cũng có chức năng liên kết với các trang mạng xã hội.
  • Foursquare: người dùng điện thoại di động (có chức năng GPS để nhận biết địa điểm) khi tham gia sự kiện ở một địa điểm nào đó sẽ thực hiện check-in và được tặng điểm thưởng cho việc check-in này. Các phần mềm này cũng có chức năng liên kết với các trang mạng xã hội.
  • Tất cả các ứng dụng như FaceBook, YouTube, Flickr, … trên thiết bị di động.

Mặc dầu đa dạng như trên nhưng, hiển nhiên, không phải mọi trang web, phần mềm hoạt động trong môi trường Internet đều là social media, trừ khi chúng là web 2.0 như giải thích dưới đây.
social media
Hình bên – “Social media – A history” là lịch sử phát triển của social media từ khi Internet mới bắt đầu (năm 1969) cho đến năm 2012 của Cendrine Marrouat (thiết kế bởi Karim Benyagoub)[1]. Bức infograph này có liệt kê một số thành tựu không hẳn là của social media nhưng cũng rất đáng để đề cập.

1.2 Social media là một dạng web 2.0

Các trang web social media được liệt kê ở mục 1 còn được gọi bằng một tên khác là web 2.0. Về lịch sử thì sau những năm 2000, web phát triển sang một gai đoạn mới, gọi là web 2.0; tiếp đó là đến thời kì các trang mạng xã hội bùng nổ thì người ta lại dùng thêm một tên gọi nữa là social media (hoặc ít phổ biến hơn là social web) để nhấn mạnh tính “social” – tức là tính tương tác, kết nối giữa các người dùng. Không hẳn social media và web 2.0 là một, có một số trang web 2.0 không có tính “social” thì không được coi là social media.

Để hiểu về web 2.0, cần so sánh nó với web ở thời kì trước năm 2000, có thể tạm gọi là web 1.0. Ở thời kì cổ xưa này, các trang web trên Internet lúc đó là các trang văn bản tĩnh, người dùng chỉ đọc những trang web này như đọc sách – tiếp thu thông tin một cách thụ động một chiều. Người dùng không thể viết comment cho trang web hay chạy chương trình nhỏ trên trang web, v.v. – tức là không thể tương tác với trang web. Và cũng chỉ có một số ít cá nhân, tổ chức đứng ra lập các trang web; tất cả người dùng Internet đều chỉ là người đọc web, chứ không tạo ra web.

Bước sang những năm 2000, blog và Wikipedia ra đời và thịnh hành mở màn một thời kì web mới mà Tim O’reilly gọi là web 2.0. Dưới đây nêu ra 3 tính chất của web 2.0 và cũng được xem như là tiêu chí định nghĩa của social media.

  • Tính tương tác cao: người dùng có thể tương tác với web nhiều hơn như nghe nhạc, xem phim từ web, chạy các chương trình nhỏ nhúng trong trang web, v.v. Có được điều này là do các công nghệ Flash, Ajax, RSS, v.v.
    • Ví dụ 1: web mail của Google (gmail.com) cho phép người dùng có thể gọi điện thoại, chat với người dùng khác trong cùng trang web duyệt thư.
    • Ví dụ 2: trên trang bản đồ Google map (maps.google.com) người dùng có thể thao tác với bản đồ như dịch chuyển, phóng to thu nhỏ bản đồ để tìm vị trí nơi cần đến.

Tính tương tác cao là cơ sở cho 2 tính chất sau.

  • Người dùng, chứ không phải tác giả, có thể tham gia vào việc tạo ra nội dung cho trang web
    • Biểu hiện đơn giản nhất của chức năng này là sau mỗi bài viết trên trang web, người dùng có thể viết comment (bình luận) về bài viết. Đối với các trang web bán hàng, như amazon.com thì thông tin do người dùng bình luận sản phẩm được coi là một phần bổ sung không thể thiếu cho thông tin quảng cáo của nhà sản xuất. Thống kê cho thấy chức năng bình luận, xếp hạng được cho là quan trọng nhất chỉ sau chức năng tìm kiếm trên các trang web bán hàng[2].
    • Với các trang blog, FaceBook, thậm chí người dùng có thể xuất bản các bài viết của mình lên Internet một cách dễ dàng. Tất cả các trang social media khác như YouTube, Wikipedia, Slideshare, Del.icio.us, Digg, v.v. đều có chức năng cho người dùng đưa nội dung của mình lên Internet.
  • Giữa các người dùng có sự tương tác, chia sẻ
    • Sự chia sẻ nội dung giữa các người dùng thể hiện rõ nét nhất qua các trang chia sẻ video, ảnh, văn bản như YouTube.com, Flickr.com, Slideshare.com, scribd.com
    • Biểu hiện cao hơn của tính chia sẻ là sự cộng tác. Ví dụ điển hình là Wikipedia.org, Del.icio.us, Digg.com, nội dung các trang này không do một ai cụ thể quyết định mà do cả cộng đồng người dùng: người dùng cùng nhau đưa bài viết lên, cùng nhau bình luận xếp hạng để xây dựng nội dung trang web.
    • Hầu hết các trang social media đều cho phép người dùng tương tác với nhau qua tin nhắn. Biểu hiện cao hơn là sự kết nối người dùng trong các trang mạng xã hội FaceBook, LinkedIn, Myspace: Mỗi khi người dùng cập nhật trạng thái của mình thì điều này sẽ được báo cho người khác và như vậy người dùng luôn được kết nối với người khác.

Như trên ta thấy social media chính là web 2.0, nhưng nó nhấn mạnh vào tính tương tác kết nối giữa các người dùng (gọi là tính social). Ví dụ về sự khác nhau giữa web 2.0 và social media là trang bản đồ chỉ đường Google map – tuy cho phép người dùng thao tác với bản đồ rất tốt (tính tương tác cao) nhưng người dùng không được tham gia vào việc tạo bản đồ, giữa các người dùng cũng không có sự liên hệ với nhau nên không được coi là social media, mà chỉ là web 2.0.

Andreas M. Kaplan [3] còn định nghĩa với social media thì nội dung do người dùng tạo ra phải được công bố thế nên email và dịch vụ tin nhắn kiểu Skype, Yahoo Messenger không được coi là social media vì nội dung do người dùng tạo có tính riêng tư, không được công bố. Tuy nhiên cũng có quan niệm khác về việc này; nói chung có những trang web, phần mềm rất khó thống nhất cho nó là social media hay không.

Ở trên ta coi social media chủ yếu là các trang web, nhưng social media còn có thể là phần mềm (không liên quan đến web) như phần mềm thế giới ảo Secondlife hoặc phần mềm mạng xã hội cho điện thoại di động như Path. Nếu chỉ để chỉ các trang web có tính kết nối, tương tác giữa các người dùng thì còn một thuật ngữ nữa là social web.

1.3 Xu hướng “social” – tương tác và kết nối

Từ khi social networking sites (các trang mạng xã hội) như FaceBook, Twitter, linked in, … ra đời, thế giới nổi lên hàng loạt những thuật ngữ có chứa  từ “social” như: social media, social TV, social search engine, social commerce, social care, social software, social game, social web, social computing, social bookmarking, social broadcasting, … Hiểu từ “social” như thế nào đây?

Theo từ điển Oxford, Cambridge, Longman thì tính từ “social” có hai nghĩa:

  • liên quan đến việc tương tác (gặp mặt, nói chuyện, …) với người khác. Ví dụ social skills – kĩ năng giao tiếp, cư xử với người xung quanh. Khi người với người tương tác với nhau sẽ tạo thành xã hội.
  • liên quan đến xã hội. Ví dụ social issues – các vấn đề (của) xã hội (như nạn tham nhũng, tình trạng ô nhiễm môi trường, …).

Từ “social” trong các thuật ngữ trên được hiểu theo nghĩa (1) – “có tính tương tác”. Thế nên thuật ngữ “social media” cần được hiểu là các phương tiện truyền thông (media) có tính chất giúp người tham gia truyền thông tương tác, kết nối với nhau. Đây chính là tính chất quan trọng của web 2.0 được bàn ở mục trên. Tất cả các trang social media đương nhiên thể hiện tính “social” rất rõ nét qua việc tạo môi trường cho người dùng cộng tác với nhau để xây dựng nội dung.

Ngày nay nhiều công nghệ phát triển theo xu hướng “social” – tăng cường sự tương tác, kết nối giữa những người dùng.
social web
Ví dụ 1: Social software. Một số phần mềm hiện nay đang trở nên “social” bằng cách tích hợp thêm chức năng cộng tác, truyền thông giữa nhiều người dùng trên mạng. Ví dụ với cùng chức năng soạn thảo văn bản, phần mềm MS Word hiển nhiên không có tính năng kết nối nhiều người dùng với nhau, nhưng phần mềm Google docs (phần mềm trên nền web) lại có tính năng cho phép nhiều người dùng trên mạng cùng nhau biên tập một văn bản chung; như vậy Google docs có tính “social”, còn MS Word thì không. Các phần mềm chuyên về cộng tác như Microsoft sharepoint, IBM Quicker thì còn được gọi bằng tên riêng là social software.

Ví dụ 2: Social tivi. Nhiều người cho rằng Tivi cũng sẽ đi theo xu hướng “social”. Social Tivi vẫn là Tivi có kết nối Internet như Internet TV, smart TV hiện nay, nhưng khác ở chỗ nó có chức năng kết nối những người xem Tivi ở xa lại với nhau (trong khi đó mục đích chính của Internet TV chỉ là mỗi download chương trình TV trên Internet xuống). Viễn cảnh của social TV là những người ở xa nhau cùng xem chương trình TV và cùng tương tác, thảo luận với nhau qua TV (với sự giúp đỡ của Internet).

Quay lại với tính từ “social” với hai nghĩa là (1) có tính tương tác người – người, (2) thuộc về xã hội. Thật không may, tiếng Việt dịch từ “social” thành nghĩa (2) và gây ra khó hiểu hoặc nhầm lẫn. Ví dụ nếu dịch “social media” thành “truyền thông xã hội” thì từ “xã hội” ở đây không mang lại thông tin gì nhiều cho người nghe vì truyền thông nào mà chả hướng đến xã hội. Tình hình còn tệ hơn với từ “social news sites” (chỉ các trang Digg, reddit, Del.icio.us) được dịch thành “trang tin tức xã hội” khiến người nghe hiểu nhầm thành các trang tin tức về các vấn đề xã hội, chứ không phải là các trang tin tức có chức năng độc giả cộng tác để xây dựng nội dung.

2. Sự phổ biến toàn cầu của social media

Social media và nhất là social network đã và đang trở thành hiện tượng toàn cầu.

Việc truy cập các trang social media đã trở thành hoạt động phổ biến nhất trên internet – chiếm 22% thời gian online (tiếp đến là 21% cho tìm kiếm và 19% cho email)[3]. Theo thống kê 07/2013 của Alexa, FaceBook đã vượt qua trang tìm kiếm Google về số lượt truy cập, theo sau Google cũng là một trang social media – YouTube!

Rank Web
1 FaceBook.com
2 Google.com
3 YouTube.com
7 Wikipedia.org
12 Twitter.com
13 Blogspot.com
14 LinkedIn.com
22 WordPress.com
25 Tumblr.com
Thống kê của Alexa 7/2013 về các trang web được truy cập nhiều nhất.

Trong năm 2013, FaceBook có 1.2 tỉ người đăng kí dùng, như vậy cứ 7 người trên hành tinh này thì có 1 người dùng FaceBook[4]. Cứ mỗi giây qua đi lại có hai người mới gia nhập LinkedIn – mạng xã hội cho nghề nghiệp lớn nhất thế giới[5]. Có khoảng 2 tỉ người trên hành tinh này dùng Internet, 75% số người dùng Internet đều đã sử dụng social media[6], đặc biệt 60% số người dùng Internet đều đăng kí tài khoản vào ít nhất một mạng xã hội[7]. 80% các công ty sử dụng social media để tuyển người, và 95% số này sử dụng LinkedIn[8]. 93% số người làm tiếp thị sử dụng social media cho hoạt động quảng cáo[9].

Thời gian con người dành cho social media cũng càng ngày càng tăng. Năm 2006, trong một tháng trung bình một người trên quả đất này dành 2.7 giờ cho mạng xã hội thì đến 2012 tăng hơn gấp đôi thành 6.9 giờ[10]. Nếu không tính những người không tham gia bất cứ mạng xã hội nào thì vào tháng 1 năm 2013, một người Mỹ dùng mạng xã hội tự kê khai trung bình dành hơn 3 giờ một ngày cho mạng xã hội[11].
Bản đồ mạng xã hội thế giới
Nếu tính riêng trong tháng 7 năm 2011, người Mỹ dành 88.4 tỉ phút để truy cập social media qua máy tính để bàn (59.5 tỉ phút) và thiết bị di động (28.9 tỉ phút). Chỉ sau đó 1  năm, con số này tăng gấp rưỡi: trong tháng 7 năm 2012, người Mỹ dành 121.1 tỉ phút cho social media trong đó 74 tỉ phút qua máy tính bàn, 47.1 tỉ phút qua thiết bị di động[12]. Ở Mỹ, người ta “xem” YouTube nhiều hơn bất cứ kênh truyền hình cáp nào; trong tháng 5 năm 2012 người ta xem 1 tỉ giờ trên YouTube, và sau 1 năm (trong tháng 5/2013) con số này tăng lên gấp 3 lần[13]. Mỗi ngày trên toàn thế giới có 4 tỉ lượt xem video trên YouTube[14].

# Mạng xã hội Phạm

Vi

Năm

ra đời

Số người

dùng

1 FaceBook World 2004 1 B
2 Twitter World 2006 500 M
3 Google+ World 2011 500 M
4 Qzone China 2005 480 M
5 Sina Weibo China 2009 300 M
6 Formspring World 2009 290 M
7 Habbo World 2000 268 M
8 LinkedIn World 2003 200 M
9 Renren China 2009 123 M
10 Vkontakte Russia 2006 117 M
11 Bebo World 2005 100 M
12 Tagged World 2004 100 M
13 Orkut Canada,

Europe

2004 95 M
14 Netlog World 2001 90 M
15 Friendster Southeast

Asia

2002 85 M
Các mạng xã hội đông người dùng nhất thế giới 2011.

(M: triệu người, B: tỉ người). Nguồn: Wikipedia.org

Sự phổ biến của mạng xã hội vẫn không ngừng gia tăng. Ở Mỹ, năm 2008 cứ 4 người Mỹ thì có 1 người  dùng FaceBook, Myspace, Twitter, LinkedIn, Classmates.com, đến năm 2011 thì tăng lên thành cứ 2 người Mỹ thì có 1 người dùng mạng xã hội2. Mạng xã hội, như FaceBook mục đích lúc đầu là hướng tới sinh viên đại học (18-22 tuổi) nhưng sau đó lan sang cả nghững người lớn tuổi hơn: năm 2011, khoảng 1/3 số người sử dụng FaceBook thuộc độ tuổi trên 35. Năm 2013, thành phần dân số gia tăng nhanh nhất trên Twitter là những người 55-64 tuổi. Trái với quan điểm “mạng xã hội chỉ dành cho giới trẻ”, thống kê cho thấy độ tuổi tham gia mạng xã hội nhiều nhất là 35-44 (chiếm 25% số người dùng)[15]. Ở Mỹ, 69% cha mẹ nói rằng họ đang làm “bạn” với con mình trên các trang mạng xã hội[16].

Trong một ngày, trên FaceBook sẽ có khoảng 2.7 tỉ cú “like”, 2.5 tỉ lần cập nhật status và check in và 300 triệu bức ảnh chụp được upload[17]. Mỗi phút qua đi, trên thế giới có 100 000 tweet (thông tin ngắn) trên Twitter được gửi đi, 684 478 thông tin được cập nhập trên FaceBook, 3600 bức ảnh được upload lên Instagram và 48 giờ video được upload lên YouTube[18]. Hàng tháng có 3 triệu blog mới lên mạng. Một người viết blog chuyên nghiệp sẽ duy trì trung bình 4 blog. 20% những người viết blog đều đã viết blog được hơn 6 năm[19].

3. Ảnh hưởng của social media đến xã hội

3.0 Social media là một phương tiện truyền thông

Người ta sử dụng social media theo hai cách:

  • Một mặt social media là công cụ giúp người dùng “socialize” – tức là hòa nhập với xã hội nhiều hơn (do đó người dùng sẽ “social” hơn). Người ta dùng FaceBook.com để kết nối với người quen, dùng Instagram.com để chia sẻ ảnh chụp với gia đình, chơi game warcraft với bạn bè, … Theo cách này thì social meida được dùng làm phương tiện truyền thông giữa cá nhân với cá nhân.
  • Mặt khác social media là một kênh thông tin, một phương tiện lan truyền thông tin đến đại chúng. Thông tin được truyền tải qua blog, mạng xã hội, trang chia sẻ văn bản, video, … Người dùng cá nhân có thể dùng social media để cập nhật thời sự xã hội, tìm thông tin về sản phẩm tiêu dùng, v.v. Các công ty, tổ chức có thể dùng social media để quảng cáo tiếp thị hay tuyên truyền chính trị, v.v. Kênh truyền thông này tuy hướng tới đại chúng nhưng nó khác truyền thông đại chúng như đài, báo, tivi ở chỗ:
    • Dễ sử dụng và chi phí zero. Ai cũng có thể dễ dàng viết blog, lập trang FaceBook, quay phim và đưa lên YouTube, … một cách miễn phí. Ngược lại bạn phải hiểu biết chuyên môn nhất định để có thể viết báo, làm phim và việc quảng cáo trên báo, tivi rất tốn kém.
    • Tức thời. Mọi thông tin đều có thể đưa lên social media bất cứ lúc nào trong khi với báo chí, truyền hình thì phải đợi biên tập, đợi đến thời điểm phát sóng, đợi đến lúc in – luôn có độ trễ.
    • Người nhận thông tin có thể phản hồi tương tác với tác giả. Social media luôn là 2 chiều: người nhận thông tin có thể phản hồi (qua nút comment, nút like, nút +1) với tác giả và thông tin phản hồi luôn song hành cùng nội dung của tác giả. Với báo chí giấy, truyền hình thì người nhận thông tin chỉ tiếp thu thụ động, không có cách tương tác với tác giả được.
    • Lan truyền theo kiểu truyền miệng. Những thứ trên FaceBook, YouTube, Twitter đều dược lan truyền theo kiểu truyền miệng: người này nhận được thông tin sau đó lại chia sẻ cho người khác – khác với cách quảng bá thông tin của báo giấy, truyền hình.
    • Có thể sửa đổi được. Thông tin sau khi lan truyền nếu cần sửa đổi thì người ta luôn có thể cập nhật được – điều này hoàn toàn không có với báo giấy, truyền hình.

So sánh với truyền thông cổ điển: để đạt được 50 triệu người sử dụng, radio phải mất 38 năm, tivi mất 13 năm, internet mất 4 năm, nhưng với social media, riêng FaceBook chỉ cần chưa đầy 1 năm để đạt được gấp bốn lần – 200 triệu người dùng!

Việc social media phổ biến toàn cầu đương nhiên sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội. Với tư cách là phương tiện truyền thông cá nhân – cá nhân, social media đã thay đổi cách con người giao tiếp, kết nối với nhau (mục 3.1). Với tư cách là phương tiện lan truyền thông tin đến đại chúng social media đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị, kinh doanh/tiếp thị – hai lĩnh vực vốn phụ thuộc sâu sắc vào tuyên truyền (mục 3.2, 3.3, 3.4).

3.1 Social media thay đổi cách con người giao tiếp, kết nối với nhau.

Đúng như slogan của FaceBook “making the world more open and connected”, social media giúp con người “open” – thể hiện bản thân nhiều hơn và “connected” – kết nối với nhiều người khác hơn.

Social media khiến người ta thể hiện bản thân nhiều hơn. Đây là một nhu cầu tâm lí tự nhiên của con người nhưng nhiều khi người ta không làm vì e sợ bị đánh giá hoặc vì không có cơ hội. Nhưng khi blog ra đời, lần đầu tiên người ta có một công cụ cực kì dễ dàng để tự do thể hiện bản thân mình. Trên blog, FaceBook, nhiều người đã dám bộc bạch những nỗi lo, thắc mắc, quan điểm mà không sợ làm xấu đi hình ảnh trong mắt mọi người. Ở khía cạnh khác, công cụ social media như YouTube, Flickr, còn giúp người ta thể hiện tài năng của mình trước công chúng. Ví dụ như cậu bé Justin Bieber, người Canada, đã tự quay phim mình đàn hát và đưa lên YouTube; ông bầu Scooter Braun tình cờ xem; nhận ra tài năng của Justin Bieber, Braun đã đưa Justin Bieber lên hàng siêu sao nhạc pop. Bởi social media có tính lan truyền thông tin nên nó cũng nâng tầm ảnh hưởng của tiếng nói cá nhân lên. Ví dụ điệu nhảy Gangnam Style của ca sĩ Psy, nếu không đưa lên Internet có thể nó chỉ được biết đến ở mỗi Hàn Quốc, nhưng nhờ được đưa lên YouTube mà điệu nhảy trở nên phổ biến toàn cầu – 1.7 tỉ lượt xem chỉ sau 4 tháng ra đời.

Mạng xã hội đã giúp con người kết nối với nhau nhiều hơn: duy trì mối quan hệ cũ tốt hơn và kết bạn với nhiều người mới hơn. Theo thống kê, 52% số teen dùng mạng xã hội cho rằng mạng xã hội đã giúp ích cho mối quan hệ của teen với bạn bè cũ, 88% cho rằng mạng xã hội đã giúp teen giữ liên lạc được với những người bạn không gặp thường xuyên[20]. Mạng xã hội cũng giúp cho người ít có điều kiện kết nối với xã hội được hòa nhập hơn với xã hội. Theo nghiên cứu của Pew Internet & American Life năm 2010 thì thành phần từ 74 tuổi trở lên là thành phần sử dụng social meida gia tăng nhanh nhất – tăng từ 4% năm 2008 đến 16% năm 2010[21]. Những người “kém giao tiếp” cũng cho rằng mạng xã hội đã giúp họ kết bạn trên mạng[22]. Mạng xã hội cũng mở rộng quan hệ xã hội của người tham gia –mỗi người có trung bình 130 “bạn” trên FaceBook[23]. Hơn một nửa số teen được hỏi đều cho rằng mạng xã hội giúp họ kết bạn mới20. Việc kết nối với người khác qua social media còn thể hiện ở việc … theo dõi người khác. Hơn một nửa số người trong quan hệ tình cảm dùng mạng xã hội để theo dõi người mình quan tâm. Các bậc phụ huynh cũng dùng FaceBook một phần là để theo dõi con cái mình.

Social media khiến người ta cộng tác làm việc với nhau nhiều hơn. Những thuật ngữ như “crowdsourcing” (nguồn lực cộng đồng), “crowdwisdom” (trí tuệ cộng đồng) ra đời gần đây để chỉ việc nhiều người dù không biết nhau ở khắp mọi miền thế giới cùng nhau cộng tác làm việc trên mạng. Ngoài Wikipedia – mở đầu cho mô hình làm việc kiểu mới này, một ví dụ gần đây là trang planethunters.org – một social media của khoa học đã khám phá ra một hành tinh vào ngày 16/10/2012 mà chỉ hoàn toàn dựa vào cộng đồng mạng[24]. Hoặc crowdrise.com, mạng xã hội chuyên để gây quĩ từ cộng đồng đã quyên góp được 845 989 USD cho nạn nhân của cơn bão Sandy[25].

3.2 Social media thay đổi cách con người tiếp nhận tin tức

Các trang như FaceBook, Twitter cũng là một nguồn thông tin phong phú. Thông tin trên những trang này thường là một kinh nghiệm/quan điểm cá nhân, một tin tức trên các tờ báo mạng mà một cá nhân thấy thú vị đem chia sẻ cho người khác. Người dùng Internet đang dịch chuyển dần sang nguồn tin này.

Người ta đọc FaceBook, Twitter như đọc báo. Hơn 50% người dùng Internet biết đến các sự kiện thời sự nhờ social media chứ không qua các kênh tin tức chính thống. Để cập nhật thời sự hàng ngày, nhiều người tìm đọc các câu chuyện, đường link của bạn bè mình chia sẻ trên FaceBook, Twitter và vô tình FaceBook, Twitter trở thành một nguồn cung cấp tin tức. Thống kê cho thấy 27.8% người Mỹ đọc tin tức từ social media – con số này xấp xỉ với báo mạng là 28.8%, và vượt qua kênh radio là 18.8%, báo giấy là 6% (tivi vẫn là kênh tin tức phổ biến nhất với 59.5%)[26]. Thậm chí phóng viên, biên tập viên cũng xem các trang mạng xã hội để cập nhật thời sự với 65% xem FaceBook, LinkedIn, 52% xem Twitter[27].

Người ta tìm kiếm trên Twitter nhiều hơn là Bing và Yahoo cộng lại. Người dùng Twitter thường thêm hastag (dấu #) trước cụm từ quan trọng. Cơ chế này giúp việc tìm kiếm rất hiệu quả: khi người ta gõ từ khóa tìm kiếm thì Twitter sẽ hiện ra những tweet (thông điệp ngắn) có chứa hastag từ khóa tìm kiếm. Hàng ngày có 1.6 tỉ lần tìm kiếm trên Twitter – nhiều hơn công cụ tìm kiếm Bing và Yahoo cộng lại (Bing, Yahoo là 2 công cụ tìm kiếm phổ biến nhất chỉ sau Google)[28]. Nếu như Google là công cụ tìm kiếm thông tin có tính phổ biến nhất, được nhiều người quan tâm nhất thì Twitter là công cụ tìm kiếm các kinh nghiệm, quan điểm cá nhân. Khi định mua một món hàng nào đó, người ta thường tìm kiếm trên Twitter để biết trải nghiệm thật của người dùng khác trước khi quyết định mua. Trước sự phổ biến của Twitter search, Google buộc phải thêm vào chức năng “social search” cho công cụ tìm kiếm kinh điển của mình (năm 2011) (nhưng sau đó lại không thành công).

3.3 Ảnh hưởng của social media trong kinh doanh/tiếp thị

Nguồn thu nhập lớn nhất cho các công ty FaceBook, Twitter, YouTube … là từ quảng cáo trên các trang này. Năm 2011, doanh số thu được từ quảng cáo trên social media là 11.8 tỉ USD.

Cách tiếp thị chuyển dịch: khách hàng trở thành người tiếp thị

Cách quảng cáo truyền thống hiện nay là các công ty tự nói về mình. Theo thống kê của Edelman năm 2008, 58% khách hàng tin tưởng sự giới thiệu về một sản phẩm, công ty từ bạn bè hoặc những người giống mình hơn là tin tưởng từ quảng cáo của chính công ty. Theo Erik Qualman [1], truyền miệng (“word of mouth”) kiểu này mới là cách tốt nhất để tiếp thị sản phẩm; cách thức này đã có từ ngàn đời xưa nhưng không dễ thực hiện. Thật may mắn, cách thức chia sẻ thông tin của mạng xã hội FaceBook, Twitter chính là một dạng truyền miệng nhưng với mức độ lan truyền thông tin cao hơn (mà Erik gọi là “world of mouth” để chơi chữ với “word of mouth”). Quả thật người dùng social media thường lan truyền thông tin về thương hiệu trong các mạng xã hội: 29% người dùng Twitter “follow” một thương hiệu nào đó, 39% sẽ tweet (gửi thông tin ngắn 140 kí tự), 29% sẽ retweet lại thông tin về một thương hiệu; 58% người dùng FaceBook sẽ bấm “like” một thương hiệu nào đó và hơn 40% sẽ đề cập đến thương hiệu khi cập nhật status hoặc chia sẻ link, video, bài viết về một thương hiệu[29]. Mọi hoạt động của người dùng đối với thương hiệu của công ty dĩ nhiên sẽ được hiển thị cho những người trong danh sách bạn bè của người dùng xem – tức là vô tình người dùng trở thành người tiếp thị. Thông tin bình luận của người dùng được đánh giá đáng tin cậy cho những người chuẩn bị mua hàng: khoảng 70% khách hàng đọc bài bình luận về sản phẩm hoặc thông tin về công ty trên các trang mạng xã hội trước khi quyết định mua hàng[30].

Khi khách hàng lan truyền thông tin về sản phẩm, về công ty, khách hàng có thể lan truyền cả tin xấu gây hại đến công ty. Như trường hợp của tập đoàn vận tải hàng đầu của Mỹ là U-Haul: một khách hàng tweet một câu ngắn trên Twitter than phiền về chất lượng dịch vụ. Tweet này sau đó được retweet lại và kéo theo sự bùng nổ các comment xấu tương tự về U-Haul. Cuối cùng, CEO của U-Haul phải lên truyền hình (chương trình Today Show) xin lỗi và đưa ra số điện thoại cá nhân nhận xử lí phản hồi để cứu lấy hình ảnh của công ty.

Nhận thức được tầm ảnh hưởng của mạng xã hội nên 74% các nhà tiếp thị cho rằng FaceBook đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thu hút sự chú ý khách hàng, và có 75% các công ty sử dụng Twitter như một kênh quảng cáo. Hơn một nửa các tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500 (500 công ty có doanh thu lớn nhất thế giới) thiết lập trang FaceBook cho tập đoàn. 86% các công ty nhỏ cho rằng FaceBook là cách tốt nhất để thu hút khách hàng.

Hệ quả tất yếu của việc sử dụng social media là làm giảm quảng cáo trên các phương tiện truyền thông cổ điển: theo Hiệp hội Báo chí Mỹ, doanh thu từ quảng cáo trên báo chí giảm 18.1%, của các tờ chuyên về quảng cáo (classified) giảm 30.9% và ngay cả doanh thu từ quảng cáo trên Internet cũng giảm 3%[31].

Social media thay đổi cách các công ty truyền thông với khách hàng

Ngày càng có nhiều công ty tham gia vào social media: các công ty làm “bạn” với khách hàng (trên FaceBook), “follow” khách hàng (trên Twitter) và ai cũng có thể giao tiếp với công ty; công ty trở nên là một thực thể có “hồn” hơn là một thương hiệu. Các công ty cũng thể hiện bản thân thật hơn thay vì “kín” như trước kia để duy trì hình ảnh đẹp. Ví dụ như Adobe: Adobe cho phép và thậm chí khuyến khích nhân viên của mình viết blog (blog chính thức của Adobe tại http://blogs.adobe.com); đọc blog của nhân viên Adobe, như của John Nack – giám đốc quản lí sản phẩm Photoshop, người ta thấy dường như Adobe không hề đặt giới hạn gì về nội dung liên quan đến Adobe, John Nack có thể viết cả về sản phẩm của đối thủ Adobe[32]. CEO của công ty cũng tham gia social media, có thể thấy Tom Glocer (Thomson Reuters), Craig Newmark (Craiglist), … trên blog, hoặc Steve Forbes (Forbes), Donald Trum (Trump), Michael Dell (Dell), Marissa Mayer (Yahoo), Bill Gates (Bill & Melinda Gates Foundation), … trên Twitter. Việc thể hiện những vấn đề công việc bên cạnh những mối quan tâm cá nhân của các CEO giúp người ta có cái nhìn chân thực hơn về CEO – đây là một cách (vô tình) khiến hình ảnh công ty/tổ chức  trở nên gần gũi hơn với khách hàng.
Social media ranking
Sự phản hồi của khách hàng với công ty cũng dễ dàng hơn với social media. Chả hạn như Dell – công ty máy tính này mở kênh liên lạc với khách hàng gần như với mọi loại social media để khách hàng có thể liên lạc với Dell theo chính cách của khách hàng. Theo Nielsen 2012, social media đã trở thành một kênh liên lạc quan trọng cho dịch vụ chăm sóc khách hàng: gần một nửa số khác hàng Mỹ sử dụng social media để than phiền hoặc hỏi đáp với bộ phận chăm sóc khách hàng. Và cứ 3 người sử dụng social media thì lại có một người nói rằng thích sử dụng social media hơn là dùng điện thoại để liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng[33].

3.4 Ảnh hưởng của social media trong chính trị

Chính trị là một lĩnh vực gắn liền với truyền thông. Ngày nay rất nhiều các chính trị gia, nhà lãnh đạo sử dụng mạng xã hội nhất là Twitter: 40% các thủ lĩnh tôn giáo, như Dalai Lama (Phật giáo Tây Tạng), Pope Francis (Công giáo Vatican) …, 35 nhà lãnh đạo quốc gia như Cristina Kirchner (thủ tướng Argentina), Julia Guiliard (bộ trưởng Úc), …, các thành viên nội các Mỹ, … đều sử dụng Twitter[34].

Dưới đây là ba ví dụ về việc social media được sử dụng trong chính trị lấy từ trang “Social Networking Pros and Cons” (socialnetworking.procon.org).

Tranh cử tổng thống

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008 (giữa Barack Obama và John  McCain) đánh dấu lần đầu tiên social media được sử dụng để vận động tranh cử. Hơn 1/4 số người đi bầu cử nói rằng họ có thông tin về chiến dịch tranh cử từ social media[35]. Theo [1], trên FaceBook, Obama có 3.1 triệu fan, John McCain có 614 000 fan; trên Myspace, Obama có khoảng 800 000 người “bạn”, McCain có 200 000 người “bạn”; trên Twitter Obama có hơn 100 000 người “follow”, còn McCain có hơn 4000. Trong cuộc tranh cử này Barack Obama đã lập hai kỉ lục: ông quyên góp được 32 triệu USD nhiều nhất từ trước đó cho đến 2008, và đáng kinh ngạc hơn là 28 triệu USD trong số này thu được từ mạng xã hội qua những lần ủng hộ chỉ 5 hoặc 10 USD.

Trong cuộc tranh cử tổng thống 2012 tiếp theo, social media còn được sử dụng nhiều hơn, người ta đã tính “social media ranking” (gộp của số “like” trên FaceBook và số “follower” trên Twitter) như một thước đo sự ảnh hưởng của các ứng viên tranh cử (xem hình bên). Twitter cũng lập 2 kỉ lục trong cuộc bầu cử này: thông tin Obama thắng cử được tweet hơn 300 000 lần trong một phút[36]; tweet “Four more years” của Obama khi biết kết quả được retweet hơn 800 000 lần (phá vỡ kỉ lục của siêu sao nhạc pop Justin Bieber với 200 000 lần retweet)[37]. CEO của Twitter là Dick Costolo gọi đây là “cuộc bầu cử Twitter”.

Chính phủ kết nối với người dân

Để có thể đưa người dân tham gia vào việc quyết định các chính sách xã hội, văn phòng điều hành chính phủ Mỹ (Nhà Trắng) đã lập blog, trang FaceBook, Myspace, YouTube, Flickr (tất cả với tên gọi White House) cho phép người dân comment, đặt câu hỏi với Nhà Trắng xung quanh các vấn đề xã hội.

Điều hành các hoạt động biểu tình

Mạng xã hội là một công cụ miễn phí cực tốt cho những nhà hoạt động xã hội dùng để điều hành các cuộc biểu tình. Ví dụ điển hình là cuộc nổi dậy 2011 tại Ai Cập (một phần của Mùa xuân Arab), nó được điều hành bởi social media và đã lôi kéo được mười ngàn người vào cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày dẫn đến việc từ chức của tổng thống Ai Cập là Mubarak vào ngày 11/02/2011[38]. Một ví dụ khác là vào ngày 4/7/2011, nhà hoạt động xã hội Adbuster đã tweet thông điệp “Dear Americans, this July 4th dream of insurrection against coporate rule #occupywallstreet”, cái hastag #occupywallstreet (tập trung tại Phố Wall) đã khích động cho người biểu tình đến tập trung tại Công viên Zuccotti (ở thành phố New York) và ở đó cho đến tận 15/11/2011[39].

Câu hỏi ôn tập

  1. Microblog là gì, khác gì với blog. Kể tên microblog phổ biến nhất hiện nay.
  2. Nguồn thu nhập chính của công ty FaceBook, Twitter là gì.
  3. Thuật ngữ “crowdsourcing”, “crowdwisdom” nghĩa là gì. Kể tên một trang web kiểu này phổ biến nhất hiện nay.
  4. Kể tên hai trang mạng xã hội, chia sẻ video, chia sẻ ảnh, chia sẻ văn bản, tạo blog phổ biến nhất hiện nay.
  5. Nút Like, share, retweet, follow, 1+ trên các trang mạng xã hội nghĩa là gì.
  6. Tại sao một số nước lại cấm FaceBook.
  7. Từ “social” trong social media, social network, social web nghĩa là gì.
  8. Theo thống kê hiện nay, các hoạt động phổ biến nhất trên Internet, ngoài việc tìm kiếm, là gì
  9. Đặc điểm của web 2.0.
  10. Sự khác nhau giữa World Wide Web thời kì sau những năm 2000 và trước đó
  11. Nội dung do người dùng tạo ra trong trang web amazon.com là gì, có quan trọng so với thông tin về sản phẩm của các nhà sản xuất không.
  12. Tại sao một số người tiêu dùng lại dùng công cụ tìm kiếm của Twitter mà không dùng các công cụ tìm kiếm quen thuộc như Google, Yahoo search.
  13. Trò chơi điện tử trực tuyến WarCraft có phải là một kiểu social media hay không.
  14. Social media có gì khác so với phương tiện truyền thông đại chúng.
  15. Diễn đàn có phải là social media hay không.
  16. Kể tên một số trang web là social media nhưng không là mạng xã hội.
  17. Ai là người sáng lập ra FaceBook.
  18. Các công ty sử dụng social media để tuyển người như thế nào.
  19. Google+ là gì.
  20. Bạn có biết video đang được xem nhiều nhất trên YouTube không.

Tài liệu tham khảo

Sách, báo về social media:

[1] Erik Qualman. Socialnomics: How Social Media Transforms the Way We Live and Do Business, 2nd edition, Wiley, 2012.

[2] H. Kietzmann, Jan; Kristopher Hermkens. “Social media? Get serious! Understanding the functional building blocks of social media”. Business Horizons, Vol 54, 2011.

[3] Kaplan Andreas M.; Haenlein Michael. “Users of the world, unite! The challenges and opportunities of social media”. Business Horizons, Vol. 53, Issue 1, 2010.

[4] Boyd, D. M.,N. B. Ellison; “Social. Network Sites: Definition, History, and Scholarship”. Journal of Computer-Mediated Communication 13, no. 1 (2007).

[5] McKinsey Global Institute. “The social economy: Unlocking value and productivity through social technologies”, 2012.

[6] Nicole B. Ellison, Cliff Lampe, Charles Steinfield. “Social Network Sites and Society: Current Trends and Future Possibilities”. Interactions, Vol 16, issue 1, 2009.

[7] Roger McHaney. “Web 2.0 and social media for business”, Ventus Publishing APS, 2012.

[8] Michael Wu. “Community vs Social network”, https://lithosphere.lithium.com

Số liệu thống kê được lấy từ các nguồn sau đây:

[1] http://www.creativeramblings.com/social-media-history-infographic-updated/

[2] http://www.dr4ward.com/dr4ward/2013/03/what-are-some-interesting-statistics-about-online-consumer-reviews-infographic.html

[3] http://brandongaille.com/time-spent-online-statistics-by-region-and-type-activity/

[4] FaceBook report (Oct, 2012)

[5] Erik Qualman

[6] http://www.cmswire.com/cms/social-media/forrester-declares-social-media-as-mainstream-003404.php

[7] Keith Hampton, Lauren Sessions Goulet, Lee Rainie, and Kristen Purcell, “Social Networking Sites and Our Lives,” www.pewinternet.org, June 16, 2011

[8] Jobvite Social Recruitment Survey

[9] http://dianehughesdotcom.Wordpress.com/2013/06/26/social-media-a-great-video-with-some-surprising-stats/

[10] “Infographic: The Growing Impact of Social Media”, John Delaney, Nathan Salminen and Eunice Lee, http://www.sociallyawareblog.com/ November 21st, 2012

[11] “American’s daily time spent social networking”, MarketingCharts staff, January 9, 2013  http://www.marketingcharts.com

[12] Nielsen Wire, “Social Media Report 2012: Social Media Comes of Age”, www.blog.nielsen.com, Dec. 3, 2012

[13] http://growingsocialmedia.com/social-media-statistics-and-facts-of-2013-infographic/

[14] http://thesocialskinny.com/100-more-social-media-statistics-for-2012/

[15] http://royal.pingdom.com/2010/02/16/study-ages-of-social-network-users/

[16] http://dianehughesdotcom.Wordpress.com/2013/06/26/social-media-a-great-video-with-some-surprising-stats/

[17] Ashlee Vance, “FaceBook: The Making of 1 Billion Users”, www.businessweek.com, Oct. 4, 2012

[18] Social Networking Statistics & Facts for 2012 http://visual.ly/100-social-networking-statistics-facts-2012

[19] http://www.mediabistro.com/allTwitter/social-media-stats-2012_b30651

[20] Common Sense Media, “Social Media, Social Life: How Teens View Their Digital Lives,” www.commonsensemedia.org, 2012

[21] Kathryn Zickuhr, “Generations 2010,” www.pewinternet.org, Dec. 16, 2010

[22] Mary Wilks, “Online Social Networking’s Effect on Adolescent Social Development,” www.eckerd.edu (accessed Dec. 5, 2012)

[23] http://www.mediabistro.com/allTwitter/social-media-stats-2012_b30651

[24] Planet Hunters, “PH1: A Planet in a Four-star System,” www.blog.planethunters.org, Oct. 15, 2012

[25] Ginny Graves, “Miracle on FaceBook,” Good Housekeeping, July 2012

[26] Kristin Marino, “Social Media: The New News Source,” www.schools.com, Apr. 16, 2012

[27] Sabrina Kidwali and Catherine Imperatore, “Social Media as an Advocacy Tool,” Techniques: Connecting Education & Careers, Sep. 2011

[28] http://www.cmswire.com/cms/customer-experience/35-key-Twitter-statistics-infographic-012384.php

[29] http://aytm.com/blog/research-junction/branding-and-how-it-works-in-the-social-media-age/

[30] http://www.vocus.com/blog/essential-stats-social-media-marketing/

[31] Business Analysis and Research, Newspaper Association of America, October, 2008, www.naa.org/TrendsandNumbers/Advertising-Expenditures.aspx.

[32] http://mashable.com/2009/09/22/social-media-business/

[33] The state of meida: the social media report 2012, Nielsen

[34] Twitter Blog, “One Hundred Million Voices,” www.blog.Twitter.com, Sep. 8, 2011

[35] Pew Research Center for the People & the Press, “Internet’s Broader Role in Campaign 2008: Social Networking and Online Videos Take Off,” www.people-press.org, Jan. 11, 2008

[36] Shea Bennett, “Revealed: Twitter’s 10 Most Retweeted Tweets of All Time,” www.mediabistro.com, Sep. 27, 2012

[37] Barack Obama, “Four More Years” www.Twitter.com, Nov. 6, 2012

[38] Stuart Schaar, “Revolutionary Challenges in Tunisia and Egypt: Generations in Conflict,” New Politics, Summer 2011.

[39] http://mashable.com/2011/10/27/occupy-wall-street-adbusters/

Có thể bạn sẽ thích…

Trả lời

EnglishVietnamese